Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4215/KH-UBND năm 2021 triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 4215/KH-UBND
Ngày ban hành 09/07/2021
Ngày có hiệu lực 09/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4215/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng; đẩy mạnh công tác phòng, ngừa bị mua bán và tái bị mua bán trở lại; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán, đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững.

- Bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021; triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

- Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giữa các cấp, các ngành trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và hỗ trợ dựa trên đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

- Xác định rõ trách nhiệm trong phân công, có sự lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện các nhiệm vụ chung của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn triển khai Kế hoạch đến các thôn, bản, tổ dân phố; được chuyển hóa thành tài liệu tuyên truyền, hằng tháng ít nhất một lần được phát trên các hệ thống loa phát thanh; chú trọng truyền thông trực tiếp tại những địa điểm khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra hoạt động mua bán người; nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm...

2. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; huy động, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, phòng tránh bị mua bán trở lại.

3. 100% trường hợp sau khi được xác định là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân.

4. Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang, thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chức năng hỗ trợ nạn nhân.

5. 100% cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người

a) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người; nâng cao cảnh giác cho người dân trước các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; thông tin về các mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả ở cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông.

b) Tổ chức các hoạt động mítting hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7 hằng năm theo chỉ đạo của Chính phủ phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 và thực tiễn của địa phương.

c) Chú trọng truyền thông trực tiếp ở cộng đồng; đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ và trẻ em.

2. Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về phù hợp với tình hình thực tiễn

a) Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để triển khai, thực hiện.

b) Theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án dân sự sau khi bản án hình sự xét xử vụ án mua bán người có hiệu lực pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân bị mua bán.

c) Tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

3. Củng cố, phát triển các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

a) Hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, gồm:

- Đầu tư trang, thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội. Tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.

- Thực hiện quy trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan đưa nạn nhân về tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội/nơi cư trú. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, cần kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại nơi trẻ em được tiếp nhận để hỗ trợ và bảo vệ nếu cần thiết.

b) Thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài điện thoại của tỉnh 18001581; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán.

[...]