Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2023 phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Số hiệu 155/KH-UBND
Ngày ban hành 27/07/2023
Ngày có hiệu lực 27/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Huỳnh Thị Diễm Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 27 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ;

Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán;

Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; đảm bảo thống nhất công tác quản lý nhà nước và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

- Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Sở, ngành, đơn vị có liên quan đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.

- Bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn, bình đẳng trong việc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân.

- Bảo đảm bí mật thông tin về nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM VÀ HÌNH THỨC PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Đề án, Dự án, Chương trình, Kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; ban hành các văn bản chỉ đạo trong phạm vi quản lý nhà nước của từng Sở, ngành, đơn vị có liên quan.

- Tham gia góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Kế hoạch, báo cáo rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, tổng kết thi hành pháp luật, lập đề nghị xây dựng chính sách về lĩnh vực có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung phối hợp.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức

- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức thông qua việc xây dựng tờ rơi, phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục; tuyên truyền về chính sách pháp luật, công tác chỉ đạo, triển khai và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đăng tải, cập nhật trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Fanpage) của các Sở, ngành; xây dựng tài liệu, cẩm nang, sách mỏng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Sở, ngành, đơn vị có liên quan. Đồng thời, thực hiện việc chia sẻ các sản phẩm truyền thông, tài liệu với nhau để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn, triển lãm..., nhằm tránh bị chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông.

- Phối hợp tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

- Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái ở các khu vực nông thôn, vùng sâu và thực hiện đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả công tác này.

3. Đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cán bộ có liên quan thuộc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; trọng tâm về các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý, nhạy cảm giới.

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành mình về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

4. Tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Công an tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) để thực hiện việc xác minh thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trong việc tiếp nhận nạn nhân theo quy định.

- Công an tỉnh phối hợp với các Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an thực hiện ngay việc xác minh và cung cấp thông tin, tài liệu, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng trong việc trao trả nạn nhân theo quy định.

[...]