Kết luận 36-KL/TW năm 2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 36-KL/TW
Ngày ban hành 23/06/2022
Ngày có hiệu lực 23/06/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Võ Văn Thưởng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 36-KL/TW

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị kết luận:

I- TÌNH HÌNH

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả chưa cao...

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ, sử dụng nước chưa đầy đủ. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất; thể chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế tài nguyên nước; nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu là ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm...

II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025: Hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

- Đến năm 2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo có đông dân cư; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.

- Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện công tác này. Phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

2.2. Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm đồng bộ, khả thi. Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương; rà soát, thống nhất đơn vị quản lý, khai thác thuỷ lợi vùng, quốc gia.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm liên kết, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm.

Có chính sách thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nướccông trình bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, vật tư cho người dân các vùng khan hiếm nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Bố trí đủ nguồn lực, trước hết là ngân sách nhà nước để nâng cấp, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trước các mùa mưa lũ.

2.3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước

Chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thuỷ lợi, thuỷ điện ở các quốc gia có chung dòng sông với nước ta; xây dựng kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; giải pháp dài hạn cho vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có nguy cơ cao về mất an ninh nguồn nước.

Tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá trữ lượng nguồn nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa các cấp, bộ, ngành, địa phương.

2.4. Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất để giảm thất thoát, lãng phí; tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả. Triển khai các giải pháp công nghệ lọc nước biển, bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ