Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2021 về phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 229/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Đào Quang Khải
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020;

- Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn về TMĐT;

- Giúp người dân tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, máy bán hàng tự động trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh;

- Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống và nông sản; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa;

- Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B);

- Phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước;

- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

2. Yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được phân công tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này;

- Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chủ động và tích cực tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, phức tạp, liên ngành; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa tỉnh;

- Các thành phần kinh tế hoạt động thương mại điện tử chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường, nguồn lực cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT trong công tác quản lý, kiểm tra, đảm bảo việc kinh doanh trên các trang TMĐT tuân thủ đúng quy định của pháp luật và năng lực cạnh tranh của tỉnh;

- Triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh;

- Góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng thành thị và nông thôn về mức độ phát triển TMĐT; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của tỉnh trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về quy mô thị trường thương mại điện tử:

- Phấn đấu 55% dân số trên địa bàn tỉnh trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các trang, mạng xã hội, các ứng dụng TMĐT bán hàng và các website TMĐT bán hàng;

- Doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm từ 10 - 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, tăng trưởng trung bình hàng năm so với năm trước khoảng 25%.

b) Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử:

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt từ 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm từ 80% trở lên;

[...]