Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án ưu tiên “Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 228/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2024
Ngày có hiệu lực 18/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ƯU TIÊN “ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGÀNH CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1742/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ưu tiên “Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án ưu tiên “Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường chất lượng và hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chăn nuôi nhằm chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, công nghiệp; sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Ứng dụng khoa học - kỹ thuật nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để sản xuất, cung ứng cho thị trường. Kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố.

b) Dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi: đẩy mạnh ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp phấn đấu đáp ứng khoảng trên 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi của địa phương đến năm 2030; tuyên truyền đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công - nông nghiệp - thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường;

c) Chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi: ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại tiến tới đáp ứng 80% nhu cầu của các cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại vừa và lớn để đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững;

d) Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ chế biến và công nghệ bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng cho thành phố và hướng tới xuất khẩu.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống vật nuôi chủ lực

a) Cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi chủ lực theo hướng lai các giống mới nhằm tạo ra những đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, khí hậu tự nhiên của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi phương pháp lai tạo con giống; phương pháp chọn lọc các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh cao.

- Lồng ghép với Chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ giống vật nuôi (bố mẹ, ông bà) để lai tạo với giống địa phương; hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với bò, heo; hỗ trợ mua đực giống bò, heo, dê và gia cầm giống cấp bố mẹ.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống xây dựng thương hiệu, quảng bá đàn giống vật nuôi, nhất là các giống bản địa.

b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng di truyền phân tử để chọn lọc, lai tạo, sản xuất giống, đặc biệt là giống ông bà, bố mẹ đảm bảo theo tiêu chuẩn; chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, lưu giữ, đánh giá, sử dụng hiệu quả các nguồn gen đàn vật nuôi bản địa; tăng cường năng lực quản lý, nuôi giữ đàn vật nuôi giống gốc.

- Hỗ trợ đào tạo, ứng dụng và chuyển giao nguồn nhân lực và hội thảo chuyên ngành về ứng dụng di truyền phân tử trong chọn lọc và lai tạo giống.

- Tập huấn và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ứng dụng chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Phối hợp với Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ xây dựng dự án nghiên cứu thu thập, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen đàn vật nuôi (nếu có).

c) Kết hợp với các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất giống vật nuôi thực hiện

- Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm để giám định, bình tuyển chất lượng giống tại các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống theo quy định nhằm loại bỏ những con giống kém chất lượng, không phù hợp với điều kiện của địa phương và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất.

- Hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức tham gia công tác giám định, bình tuyển về phương pháp giám định, đánh giá chất lượng con giống.

- Rà soát, hoàn thiện quy trình và tổ chức kiểm tra năng suất, đánh giá chất lượng con giống chủ lực của thành phố theo quy định về giống vật nuôi.

2. Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi và khuyến khích sử dụng thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện với môi trường

a) Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Các nguồn đạm thay thế cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

- Tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi về công nghệ mới trong quy trình sản xuất thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, hợp chất thiên nhiên an toàn và tốt cho môi trường.

[...]