Kế hoạch 227/KH-UBND năm 2022 triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 227/KH-UBND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 227/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI DỰ ÁN 8 “THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030 GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình );

Căn cứ Kế hoạch số 43/KH-ĐCT ngày 03/6/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự án 8 );

Căn cứ Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về hướng dẫn triển khai Dự án 8;

Căn cứ Kế hoạch 96/KH-ĐCT ngày 23/8/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Dự án 8, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Dự án 8; định hướng hỗ trợ các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, hoạt động và đạt các chỉ tiêu của Dự án 8 đề ra từ nay đến năm 2025.

- Nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cấp Hội phụ nữ trong tổ chức thực hiện Dự án 8 và tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo, định hướng của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tình hình thực tiễn của địa phương.

- Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và giới thiệu sâu rộng về Dự án 8 đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo thống nhất đồng bộ, đúng thời gian quy định; phối hợp nguồn lực thực hiện Dự án 8 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.

- Các hoạt động triển khai thực hiện Dự án 8 bảo đảm hiệu quả thực chất, tiết kiệm, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ và đột xuất theo yêu cầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

II. MỤC TIÊU CHUNG VÀ CHỈ TIÊU CHÍNH

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Chỉ tiêu chính

- 365 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động.

- 122 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản (TKVVTB) được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì. Trên cơ sở tổ TKVVTB: Thí điểm hỗ trợ 15% thành viên tổ TKVVTB hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của tổ TKVVTB hiện có phát triển sinh kế; thí điểm 73 tổ TKVVTB áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.

- 20 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất với kết nối thị trường.

- 40 Địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới.

- 179 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

- 73 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi cho trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động.

- 50 cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã (gồm: cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) được tập huấn nâng cao năng lực phù hợp.

[...]