Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 224/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2021
Ngày có hiệu lực 30/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 31/3/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới (Chỉ thị số 10/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển du lịch gắn với bảo đảm an ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch. Thống nhất về nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch.

2. Triển khai đồng bộ các biện pháp giữ vững ổn định về an ninh chính trị, duy trì trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xác định công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính thường xuyên, liên tục, vừa mang tính lâu dài.

3. Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng, triển khai các giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch; trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và vai trò của Sở Du lịch trong quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Chú trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

4. Phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực du lịch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 72-KL/TW ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay.

2. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng lĩnh vực du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.

3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, đề cao vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch.

4. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch; phòng, chống hành vi tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Phối hợp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có người Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Chú trọng hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các nước phát triển trong công tác quản lý hoạt động du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào du lịch.

6. Triển khai các chính sách, giải pháp kích cầu du lịch theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư và khách nước ngoài vào Việt Nam, đến địa phương, vừa góp phần bịt kín “kẽ hở”, không để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

7. Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu triển khai việc thực hiện các chính sách, pháp luật về du lịch, nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch... Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngay từ trong các cơ sở đào tạo.

8. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút du khách và nguồn lực, vốn đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; tổ chức phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hoạt động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn các vụ việc phức tạp, tội phạm mới phát sinh trên lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài đến địa phương và người địa phương ra nước ngoài du lịch; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự các khu, điểm du lịch và sự kiện du lịch, lễ hội quan trọng của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Du lịch tỉnh, các sở, ngành liên quan trong tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài qua đường du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 516/QCPH-CA-DL ngày 05/7/2018 của Công an tỉnh, Sở Du lịch tỉnh về bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch.

- Tham gia ý kiến về mặt an ninh trong thẩm định hồ sơ cấp phép, quản lý các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư du lịch, đặc biệt là các dự án, chương trình có yếu tố nước ngoài; việc lập các văn phòng đại diện du lịch của tổ chức quốc tế và nước ngoài tại địa phương; quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại địa phương và người lao động địa phương làm việc cho nước ngoài trong lĩnh vực du lịch.

- Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch; tích cực xây dựng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại các điểm du lịch. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự gắn với phát triển du lịch cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và du khách.

- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch.

2. Sở Du lịch

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch. Tập trung quản lý chặt các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ thúc đẩy du lịch phát triển; góp phần phòng ngừa, đẩy lùi các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát, đề xuất kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý, các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành; kiến nghị các biện pháp quản lý khách du lịch (nhất là khách tự do, khách là người nước ngoài được miễn thị thực) và các loại hình lưu trú, loại hình du lịch mới, kinh doanh tour du lịch “giá rẻ”, tour du lịch “không đồng”, dịch vụ Homestay.

- Chủ động đề xuất xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi, đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.

[...]