Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2021 về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 10/CT-TTg |
Ngày ban hành | 31/03/2021 |
Ngày có hiệu lực | 31/03/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2021 |
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia. Kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Đảng, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, môi trường du lịch thân thiện, văn minh, an ninh, an toàn. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế, như: (i) Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan còn chưa chặt chẽ; chưa giải quyết tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển du lịch; việc triển khai một số dự án đầu tư du lịch có nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động tiêu cực đến môi trường và thế trận quốc phòng an ninh, làm nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây bức xúc dư luận; (ii) Cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch còn "kẽ hở" để các tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt Nam lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là tình trạng người nước ngoài mua bán, thuê mượn tư cách pháp nhân để đầu tư “chui”, “núp bóng” tại các địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh; (iii) Công tác quản lý khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, bất cập khiến cho tình hình tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam qua đường du lịch có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp với đủ mọi loại hình (tổ chức đánh bạc, lừa đảo trên mạng; sản xuất, buôn bán ma túy xuyên biên giới, xuất nhập cảnh trái phép...); (iv) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch chưa quyết liệt, triệt để.
Tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống (an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...) tác động nhiều mặt đến kinh tế, chính trị, an ninh của quốc gia, trong đó có sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Nguy cơ khủng hoảng tài chính, bất ổn xã hội, cạnh tranh chiến lược và địa chính trị ngày càng quyết liệt, tiếp tục làm chia rẽ sâu sắc quan hệ quốc tế, tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của các nước và làm thay đổi căn bản hoạt động du lịch quốc tế. Xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư và ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch cùng với hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đan xen đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó du lịch là một trong số những ngành dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đem đến cơ hội để tái cơ cấu và tập trung giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong ngành du lịch. Đồng thời, khi dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng mở cửa, thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để phát triển du lịch được đẩy mạnh, tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy về an ninh, xã hội và môi trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng con đường du lịch để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với tính chất, mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 72-KL/TW ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay.
b) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thể lực thù địch, phản động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.
c) Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, đề cao vai trò của người đứng đầu địa phương trong xây dựng, triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương.
d) Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
đ) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có người Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Chú trọng hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các nước phát triển trong công tác quản lý hoạt động du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào du lịch.
e) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư và khách nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần bịt kín “kẻ hở”, không để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
g) Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về du lịch, nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch... Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngay từ trong các cơ sở đào tạo.
h) Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài du lịch; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan trong tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài qua đường du lịch; tham gia ý kiến về mặt an ninh trong thẩm định hồ sơ cấp phép, quản lý các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài, liên quan an ninh quốc gia; việc lập các văn phòng đại diện du lịch của tổ chức quốc tế và nước ngoài tại Việt Nam; quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài trong lĩnh vực du lịch.
c) Xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch. Nghiên cứu biện pháp cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, xác thực căn cước công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ngăn chặn tội phạm sử dụng căn cước công dân giả. Xây dựng, triển khai hiệu quả các kế hoạch bảo đảm an ninh trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, đấu tranh ngăn chặn các tội phạm mới phát sinh qua đường du lịch.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về du lịch. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành; kiến nghị các biện pháp quản lý khách du lịch (nhất là khách tự do, khách được miễn thị thực) và các loại hình lưu trú, loại hình du lịch mới, kinh doanh tour du lịch “giá rẻ”; chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực...) để phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số và hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch, quản lý khách du lịch, các khu, điểm du lịch, kết hợp xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
c) Phối hợp có hiệu quả với Bộ Công an tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; định kỳ, đột xuất trao đổi, phối hợp với Bộ Công an về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; việc thẩm định, cấp phép các văn phòng đại diện du lịch của nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
d) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo biên soạn nội dung, chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch; quy trình chuẩn về phòng, chống dịch bệnh mới nổi góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
a) Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quá trình thẩm định và đăng ký, cấp phép cho các chương trình, dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài, liên quan quốc phòng an ninh. Đề xuất giải pháp tận dụng xu hướng dịch chuyển sản xuất của các nước lớn để thu hút đầu tư và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; hoạt động của nước ngoài góp vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, bất động sản của Việt Nam và vấn đề mua bán, thuê, mượn tư cách pháp nhân để đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành địa phương có giải pháp quản lý hiệu quả tour "không đồng". Phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch theo đúng quy định của pháp luật.