Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2023 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Số hiệu 222/KH-UBND
Ngày ban hành 25/11/2023
Ngày có hiệu lực 25/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 25 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024

Thực hiện quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024 với các nội dung như sau:

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong năm phát triển theo hướng chăn nuôi với quy mô lớn, đã có một số công ty, doanh nghiệp đề xuất, đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung quy với mô lớn, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và bền vững. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến chiếm tỷ lệ cao, năng suất chăn nuôi còn thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh thấp, chưa tạo được thương hiệu trên thị trường.

Ước tính số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh (đến tháng 10/2023): tổng đàn trâu ước 65.096 con, giảm 0,08% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng xuất bán tăng do các hộ nông dân phát triển chăn nuôi vỗ béo, bán thịt…; số lượng bò hiện có khoảng 29.341 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn hiện có 181.212 con, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm phát triển tốt, ước tính số lượng đầu con hiện có là 5.280,39 nghìn con, tăng 2,21% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.294,84 tấn, tăng 4,41% (+54,69 tấn) so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5.605,79 nghìn quả.

Bên cạnh đó chăn nuôi Ngựa bạch và chăn nuôi Dê, Thỏ… được người dân quan tâm, đầu tư và phát triển. Chăn nuôi Ngựa bạch tập trung tại các địa phương có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Bình Gia… mang lại nguồn thu đáng kể từ việc khai thác bán thịt và cao xương ngựa bạch (tổng đàn ngựa toàn tỉnh hiện có ước 4.625 con).

2. Nuôi trồng thủy sản

Là tỉnh miền núi, ít có lợi thế phát triển thuỷ sản, nhưng tận dụng hệ thống sông, suối, mặt nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm ước đạt 1.210 ha, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 1.955 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 227,29 tấn, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác cá là 1.332,61 tấn, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng cá lồng đạt 543 lồng, tăng 4,23% so với cùng kỳ. Cung ứng khoảng 1.022.000 con cá giống các loại trắm, chép, mè, trôi…

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH, NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH

1. Tình hình dịch bệnh

Trong năm 2023, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm so với năm 2022, đặc biệt là các dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người (trong năm không xảy ra dịch Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh). Tuy nhiên các ổ dịch vẫn xảy ra nhỏ lẻ như: bệnh Dại trên đàn chó, Lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu bò, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), một số bệnh địa phương có xảy ra rải rác nhưng không phát thành dịch như bệnh Tụ huyết trùng trâu bò, Tiên mao trùng trâu, bò… Đối với thủy sản không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

- Bệnh Dại: xảy ra 05 ổ dịch Dại trên đàn chó, trong đó tại huyện Cao Lộc (thị trấn Cao Lộc ngày 15/3) 01 ổ dịch; tại huyện Bắc Sơn (xã Tân Lập ngày 28/4, xã Chiêu Vũ ngày 10/5, xã Trấn Yên ngày 19/9) 03 ổ dịch; tại huyện Văn Quan (xã Hòa Bình ngày 12/9) 01 ổ dịch. Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan chuyên môn đã phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tại các ổ dịch đã không phát sinh các ca bệnh mới. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh không có người chết do bệnh Dại và đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không có ổ dịch bệnh Dại.

- Bệnh LMLM: trong tháng 01/2023, bệnh LMLM xảy ra trên đàn trâu, bò của 05 hộ/02 thôn xã Tú Mịch huyện Lộc Bình, số trâu, bò mắc bệnh: 32 con, chết và tiêu hủy 01 con, trọng lượng: 70 kg. Ngay sau khi thực hiện các biện pháp phòng chống, dịch bệnh LMLM đã được kiểm soát, đến nay trên địa bàn tỉnh không có ổ dịch LMLM.

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: xảy ra 76 ổ dịch tại 590 hộ/163 thôn/59 xã/10 huyện, số lợn ốm, chết và buộc tiêu hủy 2.311 con (chủ yếu là lợn con, lợn thịt). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 04 ổ dịch bệnh DTLCP/02 huyện chưa qua 21 ngày.

2. Nguyên nhân phát sinh

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng khó kiểm soát; chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, người chăn nuôi chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chủ động tiêm phòng vắc xin, tỷ lệ tiêm phòng so với tổng đàn thấp (vắc xin Dại chó mèo đạt khoảng 30% tổng đàn); hoạt động kinh doanh, giết mổ động vật nhỏ lẻ, không tập trung, khó kiểm soát trong công tác phòng chống dịch bệnh; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch động vật, đặc biệt là việc vận chuyển lợn giống từ khác tỉnh khác vào địa bàn đưa thẳng vào các hộ chăn nuôi lợn, cơ quan chuyên môn không kiểm soát được là một trong những nguyên nhân phát sinh bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

3. Những khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi năm 2023 và nhận định tình hình dịch bệnh năm 2024

3.1. Những khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch

- Do đặc điểm địa hình đồi núi, dân cư tại nhiều nơi thưa thớt, không tập trung, giao thông đi lại khó khăn; chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thả rông, gia súc khó bắt giữ, cố định để thực hiện các thao tác kỹ thuật…;

- Ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi chưa cao, nhiều hộ dân chưa hợp tác trong công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm do vậy tỷ lệ tiêm phòng so với tổng đàn chưa cao, đặc biệt là vắc xin Dại chó, mèo (tiêm được 30% so với tổng đàn);

- Một số địa phương triển khai công tác tiêm phòng các loại vắc xin theo kế hoạch còn chậm và kéo dài;

- Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng triển khai không đồng đều giữa các địa phương, một số địa phương chưa quan tâm triển khai thực hiện vì vậy hiệu quả chưa cao;

- Năng lực của một số thú y viên cơ sở còn hạn chế; chế độ phụ cấp cho nhân viên thú y còn thấp, không đảm bảo trang trải cuộc sống, nhiều thú y cơ sở chuyển sang làm công việc khác, dẫn tới một số xã, phường, thị trấn không có hoặc thiếu nhân viên thú y cơ sở ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bệnh dịch bệnh động vật.

3.2. Nhận định tình hình dịch bệnh năm 2024

[...]