Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 12/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2024
Ngày có hiệu lực 19/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Bình Định, ngày 19 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phần I

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2023

I. Tình hình dịch bệnh động vật

1. Tình hình dịch bệnh động vật trên cạn

Theo báo cáo của Cục Thú y trong năm 2023, tình hình các loại dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Dại, Viêm da nổi cục (VDNC), Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, Cúm gia cầm đã xảy ra (theo thứ tự) tại 46-31-15-14-11 tỉnh, thành trong cả nước. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra là rất cao.

Tại Bình Định, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự chủ động trong công tác tham mưu và phối hợp các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật của Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, tổ chức tốt các đợt tiêm phòng vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm và tăng cường giám sát, cảnh báo dịch bệnh; nhờ đó, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, LMLM gia súc, VDNC trâu, bò, DTLCP tiếp tục duy trì khống chế, không xảy ra dịch bệnh trong năm 2023.

2. Tình hình dịch bệnh thủy sản

Tổng diện tích ao nuôi tôm bị bệnh là 1,9 ha; trong đó bệnh Đốm trắng (WSSD) 1,2 ha xảy ra tại huyện Tuy Phước, bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) 0,7 ha xảy ra tại huyện Phù Mỹ. Tình hình dịch bệnh thủy sản tiếp tục được khống chế.

Nguyên nhân: Do tại vùng có ổ dịch cũ (huyện Tuy Phước, huyện Phù Mỹ) người nuôi không thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng nước trước khi thả làm cho mầm bệnh lây lan từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi.

II. Một số tồn tại và nguyên nhân

1. Một số tồn tại

- Mầm bệnh của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn còn tồn tại trong môi trường, đây là nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh dịch bệnh.

- Công tác tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm còn gặp khó khăn trên đối tượng gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ. Kết quả tiêm phòng vaccine VDNC trâu, bò đạt tỷ lệ chưa cao. Công tác tiêm phòng vacine Dại cho đàn chó, mèo nuôi, chưa được các địa phương tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai.

- Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác kiểm soát giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở các địa phương chưa xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung chưa được chính quyền quan tâm, chỉ đạo kiên quyết.

2. Nguyên nhân

- Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý chăn nuôi ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt.

- Lực lượng thú y cấp huyện, cấp cơ sở còn thiếu và yếu (Nguyên nhân: Một số Phòng Nông nghiệp và PTNT không có công chức chuyên ngành chăn nuôi thú y); công tác báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở một số địa phương chưa được kịp thời.

- Ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh động vật của một bộ phận người chăn còn hạn chế; chủ quan vì dịch bệnh không xảy ra nên thiếu chấp hành tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi và phối hợp cơ quan thú y, chính quyền địa phương trong khai báo dịch bệnh.

Phần II

KẾ HOẠCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN NĂM 2024

I. Căn cứ pháp lý

- Luật Thú y năm 2015;

- Luật Chăn nuôi năm 2018;

- Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”;

- Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”;

- Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”;

[...]