Kế hoạch 221/KH-VKSTC năm 2023 chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 221/KH-VKSTC
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lê Minh Trí
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/KH-VKSTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Quyết định số 359/QĐ-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, VKSND tối cao ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Quan điểm xuyên suốt của chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân là lấy công chức, viên chức và người lao động làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực. Chuyển đổi số là bài toán chủ yếu về thay đổi nhận thức, thể chế và phụ thuộc vào quyết tâm, cách làm của người đứng đầu.

Xác định năm 2024 là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đề ra phải bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

Triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện; lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng. Tập trung phát triển các nền tảng số dùng chung toàn ngành Kiểm sát nhân dân để liên kết, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Viện kiểm sát các cấp và giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các bộ, ban, ngành, địa phương. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết và cần thực hiện trước một bước trong chuyển đổi số.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ứng dụng công nghệ số hiện đại, bảo mật để đem lại kết quả công việc tốt hơn1, từ công tác đảng, công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của từng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính2 và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành, trong đó trọng tâm là việc quản lý, xử lý toàn trình án hình sự trên môi trường số.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Chuyển đổi số trong công tác đảng

- Tham mưu Ban cán sự đảng VKSND tối cao ban hành một Nghị quyết riêng về chuyển đổi số.

- 100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ VKSND tối cao thực hiện việc sinh hoạt chi bộ định kỳ trên nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử và các chức năng khác theo triển khai của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

2.2. Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành

- 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành).

- 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành được định danh số; cập nhật đúng, đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm tính xác thực của các dữ liệu, tài liệu cung cấp kèm theo dữ liệu cá nhân của mình vào cơ sở dữ liệu hồ sơ nhân sự của Ngành.

- 100% đơn vị dự toán trong Ngành sử dụng nền tảng Quản lý đầu tư xây dựng, kế hoạch - tài chính, tài sản công.

- 100% các cuộc họp trực tuyến từ điểm cầu VKSND tối cao có phương án cho phép xem trực tiếp trên các thiết bị di động.

- Hình thành nền tảng Bàn làm việc số của ngành Kiểm sát nhân dân.

- Ứng dụng trợ lý ảo trong hoạt động hành chính, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

- Thí điểm triển khai mô hình toà soạn điện tử, hướng tới tòa soạn hội tụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

- Hình thành Thư viện số trong ngành Kiểm sát nhân dân.

- 100% đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực quản lý hành chính và trong lĩnh vực tư pháp của ngành Kiểm sát được theo dõi, quản lý trên môi trường mạng (trừ những vụ việc có tính chất mật được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Ngành).

2.3. Chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ

- 100% các cơ sở thực hiện hỏi cung bị can được trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh.

- 20% tổng số án hình sự phát sinh được xử lý toàn trình trên nền tảng quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân.

2.4. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số

[...]