Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 22/KH-NHNN năm 2014 thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" trong ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 22/KH-NHNN
Ngày ban hành 09/09/2014
Ngày có hiệu lực 09/09/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-NHNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34-CT/TW NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ "TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG" TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

Ngày 07/4/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (dưới đây gọi tắt là Chỉ thị số 34-CT/TW). Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng trong tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

2. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khen thưởng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của mỗi chi bộ, đảng viên.

3. Hội đồng Thi đua - khen thưởng các cấp trong ngành Ngân hàng xác định nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW; phát hiện, nhân rộng các điển hình trong tổ chức phong trào thi đua và đề xuất, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và thi đua, khen thưởng

a) Thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

c) Thủ trưởng các đơn vị ban hành quy định, chương trình, kế hoạch và nội dung, phương pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

2. Đổi mới nội dung, hình thức, đề cao tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua

a) Khi phát động phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, đối tượng tham gia và các tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào thi đua phải thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, của đơn vị và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của đơn vị.

b) Biện pháp tổ chức thi đua cần phong phú với chủ đề và tên gọi dễ nhớ, đồng thời chú trọng tổ chức tuyên truyền tốt, tránh hiện tượng phô trương, hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua.

c) Thông qua các phong trào thi đua chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện đồng bộ ở cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Các đơn vị có kế hoạch cụ thể đối với bồi dưỡng nhân tố mới, xây dựng mô hình mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; lựa chọn các điển hình tiêu biểu, xuất sắc để tôn vinh và nhân rộng.

d) Tổ chức thi đua cùng các điển hình tiên tiến để phong trào thi đua phát huy tác dụng đi vào chiều sâu. Đây là nội dung mới trong phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của phong trào thi đua. Các điển hình tiên tiến phải thực sự tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua.

đ) Tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra và tổ chức sơ kết, tổng kết sau mỗi phong trào thi đua; thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời.

3. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng

a) Thực hiện khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, đúng thành tích; đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, nhất là trong việc phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.

b) Khi phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của Ngành cần được khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, tập thể, cá nhân làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

c) Chủ động khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài Ngành có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp phát triển ngành Ngân hàng.

d) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về thi đua, khen thưởng.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến

a) Các đơn vị chủ động tuyên truyền các phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi; đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

b) Các báo, Tạp chí, Website NHNN và các Bản tin của Ngành dành một thời lượng nhất định, bố trí chuyên mục riêng để tuyên truyền về các phong trào thi đua, các gương người tốt, việc tốt và điển hình tiên tiến; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác tuyên truyền.

c) Tổ chức biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, gương điển hình tiên tiến có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - khen thưởng các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng; củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng

[...]