Kế hoạch 19/KH-HĐTĐKT năm 2014 thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" do Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương ban hành
Số hiệu | 19/KH-HĐTĐKT |
Ngày ban hành | 13/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 13/08/2014 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương |
Người ký | Trần Thị Hà |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
HỘI ĐỒNG THI
ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/KH-HĐTĐKT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34-CT/TW NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG”
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” (dưới đây gọi tắt là Chỉ thị 34-CT/TW) nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước.
2. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khen thưởng.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW; phát hiện nhân rộng các điển hình trong tổ chức phong trào thi đua và đề xuất, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP
1. Tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ Chỉ thị 34-CT/TW trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng
a) Tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp ban hành các chỉ thị, nghị quyết về chủ trương, chương trình, kế hoạch và các nội dung, biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng và hành động trong cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
b) Tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ, tuyên truyền có hiệu quả các nội dung Chỉ thị 34-CT/TW, Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành để thống nhất trong tổ chức thực hiện, tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác thi đua, khen thưởng.
c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với nội dung và hình thức phù hợp cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi biên giới, hải đảo.
d) Trong quá trình triển khai thực hiện tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
2. Đổi mới nội dung, hình thức, đề cao tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua
a) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành phát động, triển khai phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, đối tượng tham gia và tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phải thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chống mọi biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích trong tổ chức phong trào thi đua.
b) Phong trào thi đua cần được phát động, tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện. Cùng với việc phát động, tổ chức phong trào thi đua hàng năm, căn cứ nhiệm vụ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách và đánh giá, rà soát những phong trào thi đua còn hình thức, chưa có tác dụng thiết thực để điều chỉnh cho phù hợp.
c) Thông qua các phong trào thi đua chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; hàng năm mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương cần lựa chọn được các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện để phổ biến, nêu gương và nhân rộng.
d) Tổ chức thi đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng và đi vào chiều sâu. Đây là nội dung mới trong phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các điển hình tiên tiến phải thực sự tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua.
đ) Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời.
3. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng
a) Thực hiện khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác khen thưởng, nhất là trong việc phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.
b) Phát hiện, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu. Quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân ở cơ sở, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.
c) Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến. Tập trung thực hiện Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Phấn đấu giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến trong năm 2015.
d) Chủ động xem xét, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân người nước ngoài có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có nhiều đóng góp trong việc củng cố, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.
đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp cụ thể để chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến
a) Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước và gương điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi; đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
b) Các cơ quan truyền thông từ trung ương tới cơ sở xác định việc tuyên truyền, phổ biến các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền. Mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền các phong trào thi đua có hiệu quả, các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống.
c) Tăng cường sử dụng và kết hợp hài hòa các hình thức tuyên truyền bằng báo cáo viên, tuyên truyền viên, lồng ghép tuyên truyền qua hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở cơ sở, qua các tác phẩm, tiểu phẩm về thi đua, khen thưởng.