Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2024
Ngày có hiệu lực 24/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2024-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năn 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” (sau đây gọi là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai, thực hiện kịp thời, đầy đủ, thống nhất, hiệu quả, bảo đảm các mục tiêu tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”.

b) Góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên gắn với các nhiệm vụ chính trị, pháp lý, đáp ứng tình hình mới của đất nước.

2. Yêu cầu

a) Các nội dung thực hiện Đề án phải đúng mục tiêu, yêu cầu thực tiễn, xác định rõ nội dung công việc, tiến độ thực hiện, trách nhiệm thực hiện và thời gian hoàn thành, bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

b) Phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh trong công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của, huy động các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở; tài liệu phổ biến các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở được biên soạn, in ấn, đăng tải trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp pháp luật tỉnh Đồng Tháp nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật thông tin của tập huấn viên và hoà giải viên.

b) Phấn đấu có 100% tập huấn viên cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở.

c) 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

d) Ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được Luật sư, Luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.

đ) Từ 80% - 100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.

e) 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải.

f) Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên toàn Tỉnh đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỷ lệ hoà giải thành phải đạt trên 90%.

g) Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình Câu lạc bộ hoà giải ở cơ sở và đến năm 2030 có ít nhất mỗi huyện 01 đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.

III. PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Phạm vi thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030.

a) Giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến năm 2026): Thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ hoà giải ở cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở, công chức tham mưu công tác quản lý Nhà nước về hoà giải ở cơ sở; tổ chức Hội thảo chuyên đề về công tác hoà giải; tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi; sơ kết thực hiện Đề án.

b) Giai đoạn 2 (từ năm 2027 đến năm 2030): Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn nhân rộng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” trên phạm vi toàn tỉnh; kiểm tra, tổng kết thực hiện Đề án.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

[...]