Kế hoạch 109/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 109/KH-UBND
Ngày ban hành 20/06/2024
Ngày có hiệu lực 20/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Lê Huy
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/KH - UBND

Hưng Yên, ngày 20 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2024 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” (sau đây gọi là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án. Hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

b) Nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình "cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở" trên phạm vi toàn tỉnh.

c) Xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để kịp thời giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hoà giải ở cơ sở tạo chuyển biến căn bản giảm số vụ việc phải đưa đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

d) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

2. Yêu cầu

a) Tiếp tục phát huy, kế thừa những kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” nhằm xây dựng đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở có trình độ, kỹ năng hoà giải đáp ứng yêu cầu của công tác hoà giải ở cơ sở trong giai đoạn mới và góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

b) Phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện Đề án; đảm bảo sự huy động và tham gia các nguồn lực xã hội hỗ trợ thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở.

c) Việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, thời gian tiến độ hoàn thành.

d) Bảo đảm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các nội dung của Kế hoạch về thực hiện Đề án kịp thời, hiệu quả. Kết hợp triển khai thực hiện các nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo không chồng chéo, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thực hiện chỉ đạo điểm

a) Sở Tư pháp phối hợp với các địa phương lựa chọn, thực hiện điểm 06 đơn vị cấp xã thuộc 03 huyện (Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ) để triển khai thực hiện các mục đích, yêu cầu, nội dung của Đề án.

- Hoạt động chỉ đạo điểm tập trung vào các nội dung sau:

+ Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở.

+ Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên phối hợp, hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở.

+ Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.

+ Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở (tổ chức các lớp tập huấn; cấp phát tài liệu; tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm ...).

+ Xây dựng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” (theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp).

+ Hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

+ Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

+ Đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo điểm; biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, hòa giải viên ở cơ sở có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, UBND huyện (Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ).

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh và các cơ quan của tỉnh; Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 03 huyện được chọn điểm.

[...]