Kế hoạch 68/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 22/03/2023
Ngày có hiệu lực 22/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 22 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kết luận số 390-KL/TU ngày 21/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2023;

Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023;

Trên cơ sở Kế hoạch số 8264/KH-UBND ngày 19/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 14120/UBND-KTN ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc bổ sung một số nội dung của Kế hoạch số 8264/KH-UBND ngày 19/7/2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ, hiệu quả và trở thành phong trào thi đua sâu rộng của các địa phương và cộng đồng dân cư.

b) Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023.

2. Yêu cầu

a) Các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai, thực hiện đạt mục tiêu của Chương trình năm 2023.

b) Nội dung kế hoạch phải bám sát mục tiêu chỉ đạo của tỉnh và cụ thể hóa các nhiệm vụ với lộ trình thời gian phù hợp, với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương, đơn vị.

II. MỤC TIÊU

- Có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 02 huyện nông thôn mới nâng cao (Biểu chi tiết đính kèm).

- Tiếp tục hỗ trợ 03 xã (Bảo Hoà huyện Xuân Lộc, Long Phước huyện Long Thành, Bình Lợi huyện Vĩnh Cửu) thực hiện chuyển đổi số cấp xã.

- Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 85%.

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 83,5%, trong đó: Từ công trình cấp nước tập trung là 21,87%; đấu nối từ công trình cấp nước đô thị là 26,29%.

- Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 70%.

- Giảm 30% hộ nghèo A trên tổng số hộ nghèo A.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, nâng cao chất lượng, năng lực bộ phận tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, công chức phụ trách nông thôn mới cấp xã, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong chỉ đạo, thực hiện Chương trình giai đoạn mới 2021-2025.

2. Tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Nội dung tập huấn, tuyên truyền tập trung vào các cơ chế chính sách, mục tiêu, định hướng, các nội dung mới, các Bộ tiêu chí của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Nhân rộng và phát huy các hình thức tuyên truyền đã có hiệu quả (hội thi), thực hiện các hình thức, nội dung tuyên truyền mới phù hợp với tình hình, đặc điểm của các địa phương.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh đối với các đề án, dự án, chương trình: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”.

4. Trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch thực hiện Chương trình đã được tỉnh xác định, phát huy lợi thế, tiềm năng, gắn chặt xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, các địa phương chủ động rà soát kết quả thực hiện theo các nội dung, các bộ tiêu chí của Chương trình giai đoạn 2021-2025, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết để thực hiện, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2023, cũng như mục tiêu đến năm 2025.

5. Tập trung phục hồi phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện Chương trình, trong đó tập trung: Ứng dụng mạnh khoa học công nghệ kể cả trong sản xuất và trong tiêu thụ, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản, tạo ra sản phẩm có giá trị cao; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái nông thôn, nhằm nâng cao giá trị, tạo phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.

[...]