Kế hoạch 2143/KH-UBND năm 2010 tổ chức thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 - 2015

Số hiệu 2143/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2010
Ngày có hiệu lực 22/07/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2143/KH-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 22 tháng 7 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/2009/NĐ-CP NGÀY 30/6/2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Quán triệt Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. Quan điểm trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh số DNNVV chiếm tỷ lệ 95,6% trong tổng số doanh nghiệp được thành lập; tỷ trọng đóng góp của DNNVV trong GDP của tỉnh là 52,7%; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gần 300.000 người lao động. Sự phát triển tích cực của khu vực DNNVV trong những năm qua đã huy động được các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị và an sinh xã hội của tỉnh nhà.

Các DNNVV có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn, nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp cả đô thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; có khả năng huy động và khai thác các nguồn lực, tiềm năng, tạo cơ hội cho nhiều tầng lớp dân cư có thể tham gia đầu tư và tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, DNNVV có những khó khăn, hạn chế mang tính đặc thù, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển như: quy mô doanh nghiệp nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu; khả năng quản trị yếu; việc tiếp cận các nguồn vốn, tạo mặt bằng sản xuất gặp nhiều khó khăn; chưa tạo được mối liên kết trong nội khối và với các doanh nghiệp lớn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm….

Chính từ các yếu tố trên, để tiếp tục khuyến khích, trợ giúp phát triển các DNNVV ngày càng đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập và phát triển; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, ngày 30/6/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

Thông qua việc hình thành cơ chế, chính sách cụ thể có tính đặc thù đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên 3 mặt: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia; DNNVV đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Số lượng DNNVV được thành lập mới tăng từ 20 – 22%/năm giai đoạn 2010 – 2015.

- Tỉ trọng đóng góp của DNNVV vào GDP của tỉnh chiếm từ 55 – 60% (năm 2009 đạt 52,7%).

- Giải quyết việc làm của đô thị và nông thôn từ 30.000 – 35.000 lao động/năm.

- 80% DNNVV có khả năng tiếp cận được với các nguồn vốn.

- 80% DNNVV được trợ giúp pháp lý.

III. Nhiệm vụ và giải pháp trợ giúp phát triển DNNVV:

1. Trợ giúp về tài chính:

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác xây dựng đề án thành lập Quỹ Phát triển DNNVV (gọi tắt là Quỹ), trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý tài chính của Quỹ, kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của Quỹ, chịu trách nhiệm đảm bảo Quỹ hoạt động đúng mục đích.

Mục đích của Quỹ nhằm tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV gồm: vốn cấp từ ngân sách tỉnh; vốn đóng góp của các tổ chức, các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế; lợi nhuận từ các hoạt động của Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hoạt động chính của Quỹ phát triển DNNVV:

+ Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài tỉnh để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV theo quy định của pháp luật.

+ Tài trợ kinh phí cho các chương trình, các dự án trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp cho DNNVV do các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Ủy thác cho các tổ chức tín dụng, cho vay ưu đãi các DNNVV có dự án đầu tư khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của nhà nước và phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ.

- Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành qui chế mở rộng tín dụng cho các DNNVV; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với khả năng và điều kiện hoạt động của DNNVV; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn về tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác có tính đặc thù cho DNNVV; nghiên cứu phát triển các loại hình ngân hàng thương mại chuyên phục vụ cho đối tượng DNNVV, bao gồm cả việc cho thuê tài chính và áp dụng biện pháp cho vay không cần bảo đảm bằng thế chấp tài sản đối với DNNVV có dự án khả thi.

Thông qua các chương trình trợ giúp đào tạo, xây dựng nội dung nâng cao năng lực lập dự án, phương án kinh doanh đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng, khi thẩm định hồ sơ vay vốn của DNNVV.

(Hiện Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách theo các nội dung trên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý III/2010).

[...]