Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025

Số hiệu 213/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2022
Ngày có hiệu lực 20/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 20 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ 2021 ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30 tháng 06 năm 2022 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2031 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia) cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Vị trí địa lý, diện tích tự nhiên, cơ cấu dân số:

a) Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng hạ lưu sông Mekong, là trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang, đơn vị hành chính gồm 05 quận, 04 huyện; 83 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 144.040 ha (theo kết quả Kiểm kê đất đai năm 2019), trong đó:

- Đất nông nghiệp: 114.308 ha (chiếm 79,36% diện tích tự nhiên).

- Đất phi nông nghiệp: 29.712 ha (chiếm 20,63% diện tích tự nhiên).

- Đất chưa sử dụng: 20 ha (chiếm 0,01% diện tích tự nhiên).

b) Thành phố có 359.375 hộ, với 1.235.171 người1. Trên địa bàn thành phố hiện có 27 dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là DTTS) sinh sống với 9.895 hộ với 38.028 người, chiếm tỷ lệ 3,07% trên tổng dân số toàn thành phố, trong đó: dân tộc Khmer có 6.198 hộ với 23.691 người, chiếm 1,92% trên tổng dân stoàn thành phố và chiếm 62,3% trên tổng dân số DTTS; dân tộc Hoa có 3.542 hộ với 13.956 người, chiếm 1,12% trên tổng dân số toàn thành phố và chiếm 36,7% trên tng dân số DTTS; các DTTS còn lại có 155 hộ với 381 người chiếm 0,03% trên tổng dân số toàn thành phố và chiếm 1% trên tổng dân số DTTS.

2. Tình hình kinh tế - xã hội trong đồng bào DTTS:

a) Dân tộc Khmer cư trú 9/9 quận, huyện, số đông phân bố ở các huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, quận Ninh Kiều và quận Ô Môn; đa số sống nông thôn, làm nghề nông, làm thuê, một số hộ là công chức, viên chức, làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ, điều kiện kinh tế, đời sống, trình độ dân trí và năng lực sản xuất tuy được nâng lên nhưng còn chậm so với sự phát triển chung của thành phố.

b) Dân tộc Hoa sinh sống chủ yếu và tập trung ở các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các quận: Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt, ngành nghề chính là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

c) Các dân tộc khác: Chăm, Nùng, Thái, Tày, Mường, Dao,... sống đan xen với dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, sinh sống bằng nghề nông, mua bán nhỏ, một ít là công chức, viên chức nhà nước, cuộc sống ổn định.

d) Những năm qua, bằng các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS nhất là chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, ấp đặc biệt khó khăn và các chính sách đặc thù của thành phố đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc giảm mạnh qua các năm, đến cuối năm 2021 giảm còn 48 hộ, chiếm tỷ lệ 0,53% trên tổng số hộ DTTS, tính từ năm 2016 đến nay (từ khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều), thành phố đã giảm được 1.344/1.392 hộ nghèo DTTS (tương đương giảm gần 97%). Thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn tiếp theo, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định 4363/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2021 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, theo đó số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc có 152 hộ, chiếm tỷ lệ 1,58% trên tổng số DTTS, tăng 104 hộ nghèo so với cuối năm 2021.

đ) Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế đối với đồng bào DTTS luôn được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả, cụ thể: 83/83 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (đạt 100%); 599/599 ấp, khu vực có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao (đạt 100%); toàn thành phố có 100% hộ đồng bào DTTS có phương tiện nghe, nhìn và xem đài phát thanh, truyền hình; gần 100% hộ DTTS trên địa bàn thành phố sử dụng điện; Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 71,8%, đào tạo nghề chiếm 49,2%; Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học đạt 100%; Tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; Tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ 98,78%; Tỷ lệ học sinh nữ DTTS ở bậc tiểu học, THCS, THPT đạt 54,44%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi còn 9%; Không có trẻ em DTTS tử vong dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống; Không có tử vong mẹ người DTTS/100.000 trẻ sơ sinh; Tỷ lệ các ca sinh của phụ nữ DTTS được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 100%; Tỷ lệ phụ nữ DTTS được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai đạt 100%; Tỷ lệ hộ DTTS (nông thôn) được sử dụng nước hợp vệ sinh 99%; Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 95,5%; Tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 80%.

e) Bằng việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019, thành phố có 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Hiện nay thành phố Cần Thơ, không còn xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; có 06 xã, phường, thị trấn, 33 khu vực thuộc vùng DTTS (có trên 15% dân số người DTTS).

g) Tình hình quốc phòng, an ninh trong đồng bào DTTS trên địa bàn những năm qua cơ bản ổn định.

h) Tuy đạt được một số kết quả quan trọng vừa nêu, tình hình dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại. Đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc được nâng lên nhiều nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lao động thủ công, mua bán nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhưng chưa đồng đều giữa các dân tộc (hộ nghèo đa số là dân tộc Khmer, chiếm 77% trên tổng số hộ nghèo DTTS, dân tộc Hoa chiếm 21,7% và các dân tộc còn lại chiếm 1,3%); tình trạng thiếu việc làm, một bộ phận không đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nhà ở tạm bợ, làm thuê, cuộc sống chưa thật sự ổn định; một số chính sách dân tộc còn dàn trải, chưa thực sự hiệu quả và khi ban hành với nguồn lực dự kiến thực hiện lớn nhưng khi triển khai thì chưa đảm bảo kinh phí; một số giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc tuy ổn định nhưng vẫn còn những vấn đề cần quan tâm.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 01/10/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phạm vi, đối tượng nội dung, nhiệm vụ, nguồn vốn, cơ chế quản lý và phân công trách nhiệm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Yêu cầu:

a) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, đồng thời gắn với trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

b) Sử dụng các nguồn vốn đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

c) Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả.

[...]
14
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ