Kế hoạch 2097/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 2097/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2023
Ngày có hiệu lực 15/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2097/KH-UBND

Hải Dương, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TU, NGÀY 04/5/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM, TỆ NẠN XÃ HỘI VÀ XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 04/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xây dựng kế hoạch cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tập trung quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 40-CT/TU gắn với tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị số 36- CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, góp phần “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

2. Tiếp tục rà soát để có biện pháp hạn chế, xoá bỏ căn cơ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, làm giảm bền vững tội phạm, nhất là tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đấu tranh quyết liệt với tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, tiêu cực; giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề ma túy; tạo chuyển biến thực chất, hiệu quả, sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, mọi công dân có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm; bảo đảm môi trường thuận lợi, lành mạnh, an toàn, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

3. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; xác định công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm; lấy chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính; lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm; lấy người dân là trung tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân, sự hài lòng, tin yêu của Nhân dân là sức mạnh to lớn trong công tác phòng, chống tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.

4. Rà soát, xây dựng, ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo 138 các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác trong tình hình mới; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

5. Đổi mới về tư duy nhận thức trong tổ chức công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xác định phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, quan trọng để đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

6. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TU; tập trung thực hiện các nhiệm vụ như sau:

1. Công an tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân theo hướng 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”.

b) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức biên tập, đăng các tin, bài tuyên truyền về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; cách thức phòng ngừa, phát hiện cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật như: Tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan và tác hại của ma túy, mại dâm, cờ bạc; đẩy mạnh tuyên truyền, lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em,…

c) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, địa phương quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm; cụ thể:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình an ninh, trật tự từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa, nhất là những vấn đề tiềm ẩn phức tạp, dễ xảy ra các vụ việc về trật tự xã hội như tranh chấp, khiếu kiện, giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản...

- Thực hiện hiệu quả công tác quản lý đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; rà soát, lập danh sách quản lý chặt chẽ người có tiền án, tiền sự, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, đối tượng “ngáo đá”, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, số mới được đặc xá, tha tù,...; tiến hành gọi hỏi, răn đe, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng hình sự, ma túy, các đối tượng có biểu hiện lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên hư. Tăng cường công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng đi Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo tuyệt đối an toàn, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, đặc biệt là chương trình, hoạt động vào dịp lễ, hội, các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, địa phương.

- Làm tốt công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn, nhất là quản lý cư trú, hoạt động người nước ngoài trên địa bàn. Vận động nhân dân thu hồi và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên cơ sở kết nối dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

d) Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người, “tội phạm đường phố”, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông… Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá, “không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm” hoạt động lộng hành, gây phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn; triệt xoá các tụ điểm về trật tự xã hội… Nâng cao hiệu quả công tác bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã.

Tập trung giải quyết căn cơ vấn đề ma túy theo quan điểm “Ngăn chặn tối đa nguồn cung, làm giảm nguồn cầu, giảm tác hại của ma túy”; thực hiện phương châm: “Không đánh khúc giữa, bắt cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu” trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm; điểm, tụ điểm phức tạp, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước theo phương châm “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực.

Tăng cường phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm, nhất là các hành vi vận chuyển, xử lý, chôn, lấp, đổ, đốt chất thải rắn trái phép; vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm; khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xả thải trái phép gây ô nhiễm các tuyến sông, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

đ) Chủ trì tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết, Đề án về xây dựng “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị”; tổ chức xây dựng “Xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; lựa chọn, xây dựng mô hình “Công an cấp huyện điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự”; tập trung xây dựng làng, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh, trật tự; xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với quốc phòng toàn dân vững chắc ngay từ cơ sở.

e) Phối hợp chặt chẽ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi phạm tội, nhất là tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

g) Chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình hành động số 48-CTr/TU, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng lực lượng Công an tỉnh Hải Dương thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; bảo đảm đồng bộ, vững chắc từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công an nhân dân theo phương châm “Tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Cơ quan điều tra có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức, liêm chính, uy tín, ý thức tổ chức kỷ luật; vững về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, có trình độ ngoại ngữ, khoa học - kỹ thuật, am hiểu kiến thức kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...

h) Chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh hằng năm phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy; phòng, chống mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.

[...]