Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Kế hoạch hành động 208/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2021
Ngày có hiệu lực 23/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đầu Thanh Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 23 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA - XÃ HỘI ASEAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) và Công văn số 1841/LĐTBXH-HTQT ngày 17/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025; nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai, thực hiện với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161), góp phần đạt được các mục tiêu quốc gia về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc nâng cao đời sống cho người dân.

2. Yêu cầu

- Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân trong quá trình thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

- Huy động mọi nguồn lực hợp pháp bằng nhiều hình thức để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN gắn kết với bản sắc dân tộc và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy vai trò chủ động của tỉnh trong tiến trình hội nhập, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng đầu tư, những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh Thanh Hóa đến với cộng đồng các nước trong khối ASEAN. Tranh thủ tối đa các cơ hội và nguồn lực để hội nhập và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao mức sống cho người dân, giảm bất bình đẳng, đảm bảo công bằng xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Phát triển con người

Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường kỹ năng cho người lao động; tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề, thúc đẩy việc làm bền vững, tăng cường kỹ năng kinh doanh cho nhóm yếu thế và nâng cao năng lực dịch vụ dân sự. Định hướng ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, tăng cường giao lưu sinh viên và học sinh, trao các chương trình học bổng trong ASEAN.

2.2. Tăng an sinh và bảo trợ xã hội

Đảm bảo thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mục tiêu và tiến trình phát triển của tỉnh; đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin. Thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; xây dựng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội và bảo trợ xã hội, giúp người dân tránh được phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, thế giới; chống lại việc sản xuất, buôn bán và sử dụng chất ma túy.

2.3. Thúc đẩy bình đẳng xã hội và các quyền

Thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Thiết lập mạng lưới về ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; thực hiện chương trình về bảo vệ, phát triển và nuôi dưỡng trẻ em phù hợp với Công ước về quyền trẻ em; tổ chức các chương trình xây dựng năng lực khu vực về dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế bảo đảm nhằm thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN.

2.4. Bảo toàn, quản lý bền vững đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng cộng đồng bền vững với việc bảo tồn và quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực con người và thể chế trong việc thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại của biến đổi khí hậu đặc biệt đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp tăng cường khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa. Tổ chức các hoạt động khuyến khích người dân tích cực tham gia hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng một xã hội bền vững về môi trường mang lại hiệu quả tích cực cho người dân.

2.5. Tạo dựng bản sắc ASEAN

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước ở các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm và xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN. Huy động tối đa các nguồn lực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của tỉnh.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025

1.1. Nhiệm vụ chung

a) Tuyên truyền để mọi bộ phận trong xã hội hiểu về Cộng đồng ASEAN thu hẹp khoảng cách giữa hợp tác khu vực và cảm nhận của công chúng về Cộng đồng ASEAN, tạo đồng thuận, niềm tin và sự ủng hộ của người dân, dư luận xã hội với hợp tác ASEAN theo đúng tinh thần tại Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN.

[...]