Nghị quyết 372/2020/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 05 năm (2021-2025)

Số hiệu 372/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phan Văn Thắng
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 372/2020/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP 05 NĂM (2021-2025)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 112/TTr-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 05 năm (2021 - 2025), với một số nội dung sau:

1. Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2020)

Trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn mới phát sinh ngoài khả năng dự báo, nhưng với sự nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành theo hướng ngày càng năng động của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn Tỉnh nên việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết của HĐND Tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tình hình kinh tế có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm (2016 - 2020) ước đạt 6,44%, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, ước năm 2020 đạt trên 87.300 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, xếp vào hàng khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 54,5 triệu đồng, gấp 1,55 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng.

Tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” theo đúng định hướng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và các ngành, các cấp từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phát huy hiệu quả được nhân rộng. Tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 3,57%/năm.

Sản xuất công nghiệp duy trì và phát triển, công nghiệp chế biến đóng vai trò then chốt trong gắn kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, thương mại điện tử, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng (cá tra, sen,...), ngành chế biến thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trưởng tốt, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng bình quân toàn ngành công nghiệp đạt 8,21%/năm.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển khá theo hướng văn minh, hiện đại, tăng trưởng bình quân 7,9%/năm. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng qua các năm với 02 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản, giá trị xuất khẩu năm 2020 ước đạt gần 1,2 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh ngày càng được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh của Tỉnh (PCI) có 12 năm liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng gia tăng với hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động (vượt mục tiêu 200 doanh nghiệp), hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều hiệp hội ngành hàng, câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Trung ương và Tỉnh đã triển khai các công trình, như: Tuyến Quốc lộ 30, 54, 80, N2, N2B, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và hệ thống giao thông kết nối 02 cầu, các tuyến đường Tỉnh trọng yếu, kết nối với khu vực Đồng Tháp Mười, phía Nam sông Tiền và các tuyến giao thông phục vụ phát triển nông nghiệp, du lịch, góp phần tăng thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Mạng lưới đô thị của Tỉnh tiếp tục phát triển, định hình rõ nét, diện mạo nông thôn có sự thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, Đồng Tháp có 03 thành phố trực thuộc Tỉnh(1), 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới(2), 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới(3) và 78 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện đang lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cao Lãnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chất lượng giảng dạy và năng lực quản trị trường học của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từng bước được nâng lên. Hệ thống cơ sở dạy nghề được sắp xếp phù hợp với thực tế; đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, thực hiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn với nhiều chính sách hỗ trợ. Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao, trong đó có 09 bác sĩ và 28 giường bệnh trên vạn dân, có 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được chú trọng đi đôi với giải quyết việc làm, đưa gần 7.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân, nâng cao tay nghề cho lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh quê hương, con người Đồng Tháp; thể thao quần chúng phát triển ổn định và đi vào chiều sâu, thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, cung cấp nhiều vận động viên, huấn luyện viên cho đội tuyển Quốc gia.

Cải cách hành chính được chú trọng theo hướng lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp là mục tiêu vươn tới. Kết quả xếp hạng: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Tỉnh đều thuộc nhóm đạt thứ hạng cao so với cả nước và khu vực trong nhiều năm liên tục; nhiều mô hình mới, cách làm hay trong cải cách thủ tục hành chính được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, nhiều Tỉnh trong cả nước đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới và trong nước, khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Tỉnh được duy trì nhưng có xu hướng chậm lại, chưa đạt mục tiêu đề ra (6,44%/kế hoạch 10%/năm); chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, mức độ huy động từ nguồn xã hội hóa chưa nhiều. Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu chưa rõ nét. Công nghiệp có chuyển biến nhưng thiếu đa dạng về sản phẩm và quy mô sản xuất còn nhỏ. Phát triển công nghiệp với xây dựng thương hiệu tạo sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu chưa phát huy hiệu quả. Vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm dẫn đến phải kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi. Thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các dự án lớn, dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Quản lý tài nguyên còn bất cập, tình trạng sạt lở bờ sông còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra,…

2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025)

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững. Phát triển kinh tế nông - công - thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng toàn cầu hoá; phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đưa kinh tế của Tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho Nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Về kinh tế

Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn (giá năm 2010) tăng 7,5%, trong đó: Khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,2%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,8%.

GRDP/người đạt 92 triệu đồng (tương đương 3.434 USD) theo giá thực tế.

Huy động vốn đầu tư phát triển/GRDP: 26%/năm.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%.

[...]