Nghị quyết 373/2020/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Số hiệu 373/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phan Văn Thắng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 373/2020/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 103/TTr-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2021 với một số nội dung sau:

1. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020

Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở hầu hết các nước trên thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn còn tiếp diễn, thời tiết diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động bởi xâm nhập mặn, dịch tả heo châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn. Nhưng nhờ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” đã giúp địa phương vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội có những điểm sáng, thực hiện đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh đã đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,5%.

Tiếp tục tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và các ngành, các cấp từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp, thủy sản đã phát huy lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng duy trì mức tăng trưởng vừa phải (2,12%), cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng gia tăng sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Diện mạo nông thôn có bước đổi mới đáng kể. Dự kiến, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 98/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự, huyện Tháp Mười) và thêm 01 đơn vị cấp huyện (huyện Cao Lãnh) có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiến hành lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhờ tăng trưởng của khu vực 2 và khu vực 3, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 49,3%. Ngành chế biến thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trưởng khá, duy trì vị thế và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp đạt mức 6,75%. Phát triển thương mại, dịch vụ có bước tiến mạnh mẽ, hình thành các trung tâm giới thiệu, phân phối đặc sản Đồng Tháp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; tạo dựng mối quan hệ gắn kết với các nhà phân phối hiện đại như: Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommerce, MM Mega Market, Bách Hóa xanh, Vinmart góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Thương mại điện tử có bước phát triển rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,18 tỷ USD.

Chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” tiếp tục được thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở, kịp thời triển khai đến doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, chi hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong triển khai các gói hỗ trợ đến các đối tượng: Người có công, bảo trợ xã hội, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo động lực giúp người dân an tâm sinh sống và làm việc.

Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47,5 triệu đồng (trong đó, khu vực thành thị là 51,1 triệu đồng, khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng). Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt cao (99,69%); giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,28%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, ghi dấu mốc 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm 05 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) tiếp tục xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) được cải thiện rõ nét khi lần đầu vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hình ảnh địa phương tiếp tục được cải thiện đáng kể, thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư dự án trên địa bàn Tỉnh như: Tập đoàn TH, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn FLC,…

Tuy nhiên, còn 03/20 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra: Tăng trưởng kinh tế (4,5%/ KH 7,0%); GRDP/người (54,44 /54,55 triệu đồng); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (8.050/ 8.495 tỷ đồng). Nguyên nhân chính do đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của Tỉnh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là dịch tả heo châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn trong phạm vi cả nước, nhiều doanh nghiệp, người dân chưa thích ứng kịp với xu hướng chuyển đổi của thị trường.

(Phụ lục I kèm theo)

2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

a) Các chỉ tiêu chủ yếu

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 có 22 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm: 06 chỉ tiêu về kinh tế, 12 chỉ tiêu về văn hoá - xã hội và 04 chỉ tiêu về môi trường:

- Chỉ tiêu kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (giá so sánh năm 2010) tăng 7,0%.

+ GRDP/người đạt 58,19 triệu đồng (tương đương 2.455 USD) theo giá thực tế.

+ Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.110 tỷ đồng.

+ Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt chiếm 25,24% GRDP.

+ Giá trị xuất khẩu hàng hoá (không tính hàng hoá tạm nhập tái xuất) đạt 1.210 triệu USD.

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%.

- Chỉ tiêu văn hóa - xã hội:

[...]