Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2017 thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 202/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2017
Ngày có hiệu lực 13/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/KH-UBND

An Giang, ngày 13 tháng 04 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017-2020

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2016 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 (viết tắt là Quy hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Xác định rõ nội dung, công việc cụ thể để triển khai Quy hoạch.

- Tập trung triển khai các dự án, nhiệm vụ, quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn theo Quy hoạch làm cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện hàng năm.

- Phân công rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện Quy hoạch.

- Nhằm tạo nguồn vốn, xã hội hóa các nguồn lực để triển khai các dự án ưu tiên theo Quy hoạch.

- Khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức của nhân dân và cán bộ về bảo tồn đa dạng sinh học.

- Đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các nội dung của Quy hoạch được khả thi, kịp thời theo đúng tiến độ và trình tự ưu tiên thực hiện.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh An Giang.

2. Yêu cầu:

- Các nhiệm vụ, dự án đã phân công trong Quy hoạch cần được tiến hành khẩn trương, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị tư vấn có liên quan, đáp ứng đúng tiến độ kế hoạch được duyệt.

- Kế hoạch thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp thực tiễn địa phương. Làm cơ sở lựa chọn các dự án ưu tiên, có trọng tâm góp phần tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học gắn phát triển du lịch sinh thái, phát triển sinh kế cộng đồng.

- Kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với các nhiệm vụ, dự án của Quy hoạch trong quá trình triển khai; báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Truyền thông, tuyên truyền các nội dung của quy hoạch:

- Tổ chức phổ biến sâu rộng nội dung của Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đến các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Lồng ghép vào các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng tài liệu bướm, sổ tay, pano tuyên truyền.

- Đăng tải nội dung của Quy hoạch trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.

- Hàng năm tổ chức từ 01 đến 02 hội nghị, hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả để bảo tồn và hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái; phát triển các nguồn gen quý hiếm, loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được tại các khu bảo tồn của tỉnh; nâng cao độ che phủ rừng, giảm các vụ xâm hại đến rừng và khai thác trái phép tài nguyên sinh vật (chặt phá, đốt rừng, cháy rừng, săn bắt động vật hoang dã,…); bảo vệ cảnh quan hiện hữu các khu bảo tồn, xây dựng cảnh quan nhân tạo để phát triển tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn và bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của quy hoạch:

- Trên cơ sở Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và kế hoạch được duyệt này các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các dự án, nhiệm vụ theo đúng lộ trình đề ra.

[...]