Kế hoạch 1967/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 08/2024/NQ-HĐND về nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 1967/KH-UBND
Ngày ban hành 21/03/2024
Ngày có hiệu lực 21/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1967/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 21 tháng 03 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08/2024/NQ-HĐND NGÀY 23/01/2024 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Thực hiện Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 23/01/2024 của HĐND tỉnh về Quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND); Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 05/02/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số

08/2024/NQ-HĐND; theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 50/TTr-SVHTTDL ngày 15/3/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung đã được HĐND tỉnh quy định tại Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND, xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, hội, các địa phương trong việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch được phê duyệt.

- Đảm bảo thực hiện các mục tiêu bảo tồn, phát huy có chọn lọc giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển bền vững; bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, truyền dạy cho lực lượng nghệ sỹ, diễn viên trẻ kế cận; tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy, hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị và duy trì hoạt động cho các câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi tại cộng đồng, lực lượng giáo viên thanh nhạc và học sinh công tác, học tập tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh... nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của các tầng lớp Nhân dân.

- Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; lựa chọn thành lập các câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi để truyền dạy thí điểm và duy trì hoạt động theo hình thức ngoại khóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trong trường học.

- Giới thiệu, quảng bá rộng rãi, nâng cao ý thức, niềm tự hào về giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; động viên, khuyến khích người dân bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; thu hút, huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định nội dung công việc cụ thể, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả thực hiện, gắn trách nhiệm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, hội và các địa phương liên quan.

- Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện, đề xuất bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực cần thiết triển khai nhiệm vụ đúng yêu cầu thực tiễn, trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

- Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết phải đảm bảo dân chủ, công khai, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

- Đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các nội dung của Nghị quyết đối với cùng một địa phương, cùng một đối tượng thụ hưởng.

- Sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn, đánh giá kết quả của từng giai đoạn thực hiện Nghị quyết; định kỳ có báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện cụ thể theo Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Bài chòi - một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Công văn số 2414/BVHTTDL-DSVH ngày 06/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam.

- Nâng cao quy mô, số lượng, chất lượng các câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi; góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nhân loại.

- Tiếp tục gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho các thế hệ mai sau về những giá trị độc đáo của nghệ thuật Bài chòi; nâng cao nhận thức, lòng tự hào của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, xây dựng Bài chòi thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá phân loại và lập danh mục Di sảnvăn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Sưu tầm, số hóa, xuất bản các ấn phẩm nghệ thuật Bài chòi, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nghệ thuật Bài chòi để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy; các tác phẩm nghệ thuật Bài chòi có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa di sản.

- 100% các câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi được cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập, có Quy chế, Điều lệ để tổ chức và duy trì sinh hoạt thường xuyên được hưởng các chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị và duy trì hoạt động.

- Cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, nghệ nhân, nhạc công đang tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi; lực lượng giáo viên thanh nhạc, học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học... được tập huấn bồi dưỡng thực hành về Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi.

- Truyền dạy thí điểm nghệ thuật Bài chòi tại các trường học; đưa nghệ thuật Bài chòi vào hoạt động ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.

- Trong các chương trình Hội thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, tỉnh có cơ cấu tiết mục dân ca và hô hát Bài chòi.

[...]