Kế hoạch 190/KH-UBND năm 2024 ứng phó thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 190/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2024
Ngày có hiệu lực 21/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 21 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH, NHÀ CAO TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 28/NQ- CP ngày 01/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị;

Thực hiện Kế hoạch số 278-KH/TU ngày 02/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 09/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 01/3/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chủ động, sẵn sàng ứng phó, kịp thời triển khai khắc phục hậu quả sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng (bao gồm: Sập đổ công trình, sập đổ nhà cao tầng, sập đổ dàn giáo trong khi thi công xây dựng,...) và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản.

2. Hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi có tình huống sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng; xác định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham gia ứng phó và xác định chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo sự thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó với sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh.

3. Định hướng, chủ động cân đối kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm phương tiện, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Xây dựng kế hoạch, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai gây thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2. Xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra thảm họa do sự cố, thiên tai gây ra.

3. Đảm bảo cơ chế thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó thảm họa do sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và biện pháp phòng tránh.

5. Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo; đẩy mạnh đầu tư, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phòng ngừa thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng

1.1. Kịp thời tuyên truyền vận động, cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra sập đổ công trình cho quần chúng nhân dân, những người làm việc trong các cơ sở nhà cao tầng, bệnh viện, trường học,… biết để chủ động tham gia công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn và tích cực tham gia ứng phó khi cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Thường xuyên đổi mới nội dung cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng như: Tuyên truyền thông qua các buổi giao ban của các cơ quan đơn vị, các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ nhân dân,…; tổ chức in ấn cấp phát tờ rơi cảnh báo đối với những cơ sở, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sập đổ để người dân biết cách tự phòng tránh,... hạn chế thấp nhất thiệt hại do thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng gây ra.

1.2. Thực hiện nghiêm túc công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình nhà cao tầng, bệnh viện, trường học,… khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) theo quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề nổi lên gây mất an toàn về phòng cháy, phòng ngừa sự cố, tai nạn hoặc gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên bí mật để kịp thời thu thập thông tin về dấu hiệu gây mất an toàn, nguy cơ xảy ra thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng tại các đối tượng cơ sở và công trình đã được dự báo, xác định nêu trên để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn.

2. Nguyên nhân, mức độ thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng và phân cấp ứng phó

2.1. Nguyên nhân gây ra sập đổ công trình

- Vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn PCCC và CNCH.

- Thiên tai, động đất; do khủng bố, bạo loạn gây rối.

- Do địch tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc nguyên nhân khác theo quy định về phòng thủ dân sự.

2.2. Mức độ thảm họa

- Xác định mức độ thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng như sau: Cháy, nổ hoặc thiên tai xảy ra trên diện rộng và gây ra sập đổ nhiều nhà, công trình hoặc hạng mục công trình có hàng trăm người chết, bị thương và bị mắc kẹt trong khu vực xảy ra mà cần huy động nhanh chóng tổng lực các lực lượng, phương tiện trên địa bàn tỉnh để tham gia xử lý.

- Từ mức độ thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng nêu trên, cần xác định phạm vi, quy mô thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng đối với từng loại hình cụ thể để nghiên cứu, xây dựng phương án ứng phó như sau:

+ Thảm họa sập đổ nhà cao tầng: Sập đổ một số hạng mục, căn phòng và gây thương vong, mắc kẹt đối với hàng trăm người hoặc cùng xảy ra đồng thời tại 02 tòa nhà cao tầng trở lên mà có hàng trăm người thương vong, bị mắc kẹt.

+ Thảm họa sập đổ khu công nghiệp: Thiên tai hoặc đám cháy xảy ra và nhanh chóng lan ra toàn bộ cơ sở với hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn m2, gây sập đổ một số nhà xưởng do cháy, nổ và đã lan sang một phần của cơ sở lân cận, làm hàng trăm người bị thương vong, mắc kẹt trong khu vực cháy, nổ.

[...]