Kế hoạch 255/KH-UBND năm 2023 về ứng phó với thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng, công trình hầm, lò trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 255/KH-UBND
Ngày ban hành 30/10/2023
Ngày có hiệu lực 30/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Lê Hồng Minh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/KH-UBND

Sơn La, ngày 30 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ VỚI THẢM HỌA SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH, NHÀ CAO TẦNG, CÔNG TRÌNH HẦM, LÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;

Thực hiện Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 29/9/2023 của UBND tỉnh về Phòng thủ dân sự của tỉnh Sơn La đến năm 2030 và những năm tiếp theo,

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 370/TTr-SXD ngày 17/10/2023, Báo cáo số 607/BC-SXD ngày 17/10/2023 và kết quả xin ý kiến Thành viên UBND tỉnh tại Báo cáo số 307/BC-VPUB ngày 27/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó với thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng, công trình hầm, lò trên địa bàn tỉnh Sơn La như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung đã được xác định trong Nghị định

số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định kịp thời, hiệu quả.

- Xác định cụ thể nội dung, nhiệm vụ để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2023 của UBND tỉnh Sơn La về Phòng thủ dân sự của tỉnh Sơn La đến năm 2030 và những năm tiếp theo, đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế của tỉnh.

- Chủ động, sẵn sàng ứng phó, kịp thời triển khai khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng, công trình hầm, lò (bao gồm: sập đổ công trình, dàn giáo trong khi thi công xây dựng; sập đổ công trình nhà cao tầng...) và tìm kiếm cứu nạn; hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản.

- Hệ thống tổ chức, phân công nhiệm vụ hoạt động của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi có tình huống sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng; xác định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham gia ứng phó và xác định chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo sự thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó với sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, công trình hầm, lò trên địa bàn tỉnh.

- Định hướng, chủ động cân đối kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm phương tiện, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng, công trình hầm, lò và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nội dung và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ và thực hiện theo các điều khoản quy định tại Chương IV, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng kế hoạch, hoàn thiện hệ thống văn bản về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh; xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra thảm họa do sự cố, thiên tai gây ra.

2. Đảm bảo cơ chế chính sách thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra các công trình đang xây dựng, các công trình có nguy cơ sập đổ theo quy định của pháp luật nhằm tránh xảy ra sự cố; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và biện pháp phòng tránh.

4. Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

5. Xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra sự cố (do thiên tai, do con người, cháy, nổ…) có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh: nghiên cứu, xây dựng theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

6. Đẩy mạnh đầu tư phát triển và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm chi đầu tư phát triển nguồn NSNN theo thứ tự ưu tiên: mua sắm trang thiết bị phổ thông phục vụ phương châm “bốn tại chỗ”; mua sắm trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng và cơ sở hạ tầng cho các đơn vị chuyên trách thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong từng tình huống cụ thể.

7. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh.

III. HỆ THỐNG TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH

1. Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

2. Cơ quan chỉ huy:

- Cấp tỉnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với: Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

[...]