Kế hoạch 1866/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1866/KH-UBND
Ngày ban hành 07/10/2022
Ngày có hiệu lực 07/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1866/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thích ứng với biến đổi khí hậu

Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

- Đến năm 2030:

Kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng. Bảo đảm 100% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để duy trì dòng chảy tối thiểu của các lưu vực sông; 85% lưu vực sông chính của tỉnh có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Có từ 50% trở lên diện tích vùng biển Quảng Bình được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng biển có tính đa dạng sinh học cao và tiềm năng về khoáng sản.

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo.

Xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở, nhà máy, xí nghiệp, ... gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng chất thải được thu gom; 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và khu công nghiệp Bắc Đồng Hới; 65% tổng lượng nước thải tại thành phố Đồng Hới và 40% tại các khu đô thị của các huyện, thị xã được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, đi-ô-xin; 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững; bảo đảm an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng.

Bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 78%; 01 khu dự trữ sinh quyển được thành lập và công nhận. Tăng diện tích các khu đất ngập nước quan trọng được bảo vệ; có ít nhất 29 loài động vật quý hiếm, nguy cấp được đưa vào chương trình bảo vệ.

Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở khu vực đô thị.

Tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động, ưu tiên khu vực biển ven bờ; 100% công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

- Đến năm 2050:

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước và đất, cải thiện chất lượng môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh tài nguyên nước địa phương. Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp thông minh hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao.

Giữ vững độ che phủ rừng ổn định ở mức 78% và đảm bảo lâm phận rừng của địa phương; nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững; các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được phát triển đồng bộ, hiện đại thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu. Bảo đảm 100% dân số được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh, trong đó ít nhất 97% dân số được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; 100% khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhà máy xử lý nước thải tập trung; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Khả năng chống chịu của các công trình phòng chống thiên tai được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế có tính đến tác động của biến đổi khí hậu.

Mọi người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai và các rủi ro khí hậu; 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở đảm bảo an toàn.

b) Giảm phát thải khí nhà kính

- Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của Quảng Bình giảm 30% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 22,5%, lượng phát thải không vượt quá 315 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ); lĩnh vực nông nghiệp giảm 29,7%, lượng phát thải không vượt quá 44 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 48% lượng phát thải và tăng 13,7% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -65,5 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 41,9%, lượng phát thải không vượt quá 12,4 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 26,4%, lượng phát thải không vượt quá 59,3 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

- Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của Quảng Bình đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 69,6 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực nông nghiệp giảm 43,51%, lượng phát thải không vượt quá 38,6 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 62% lượng phát thải, tăng 20,7% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -127,6 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 62,5%, lượng phát thải không vượt quá 5,5 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

[...]