Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2022 thực hiện đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 181/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2022
Ngày có hiệu lực 20/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là Đề án); Công văn số 1862/BXD-PTĐT ngày 25/5/2021 và Công văn số 2752/BXD-PTĐT ngày 22/7/2022 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng tại Công văn số 2533/SXD-PTĐT ngày 09/9/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, PHẠM VI THỰC HIỆN VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục đích:

a) Xác định toàn diện, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” được duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi, thời gian thực hiện:

a) Phạm vi thực hiện: Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ (thuộc danh mục các tỉnh và đô thị giai đoạn 2021 - 2030 tại phụ lục I kèm theo Quyết định số 438/QĐ-TTg).

b) Thời gian thực hiện: Năm 2022-2030.

3. Mục tiêu cụ thể (tại các đô thị chịu tác động được nêu trong Phụ lục I, Đề án gồm Thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ):

a) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, quan trắc chất lượng môi trường, tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường, cảnh báo thiên tai với hệ thống điều hành thông minh của tỉnh. Phát triển đô thị thông minh, hiện đại, hài hòa với môi trường.

b) Xây dựng, tiếp nhận quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas đô thị và khí hậu cho đô thị).

c) Thực hiện các chương trình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

d) Thí điểm, đầu tư các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với ngập lụt do mưa lớn; thí điểm, đầu tư các giải pháp kỹ thuật phòng chống thiên tai (lũ quét và sạt lở đất…) cho các cụm dân cư.

e) Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đô thị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ thông qua các biện pháp cải thiện hệ thống giao thông công cộng, tăng diện tích cây xanh (phấn đấu đến năm 2030, đất cây xanh đô thị: Đô thị loại I đạt ≥14 m2/người; đô thị loại III đạt 7-10 m2/người), mặt nước đô thị, khuyến khích và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố, thị xã, quy hoạch đô thị đảm bảo mật độ dân cư phù hợp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, cụ thể: Lồng ghép các yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị. Tổ chức rà soát quy hoạch các điểm dân cư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ. Xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đô thị. Khảo sát và phân loại các khu vực theo mức độ dễ bị tổn thương từ thấp đến cao đối với hạn hán, sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm, ngập úng cục bộ..., từ đó đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đô thị và đề xuất giải pháp thích ứng phù hợp với từng khu vực.

2. Xây dựng chương trình, dự án thí điểm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, cụ thể:

a) Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu.

c) Xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

d) Xây dựng chương trình, dự án liên quan đến cấp nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, suy giảm nguồn nước.

e) Xây dựng chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập; đặc biệt quan tâm đến các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lớn, dẫn đến ngập úng cục bộ và lũ lụt.

3. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas Đô thị và Khí hậu, tiếp nhận quản lý và khai thác sử dụng khi được chuyển giao; phối hợp thực hiện các chương trình trọng tâm khác được phê duyệt tại Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

4. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác trong vùng thực hiện các dự án mang tính liên vùng, liên đô thị.

5. Các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố, thị xã chủ động tham gia và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư đô thị vào các hoạt động phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Các chương trình trọng tâm tại Phụ lục kèm theo)

[...]