Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 150/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2022
Ngày có hiệu lực 30/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Cao Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 30 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 896/QĐ-TTG NGÀY 26/7/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược theo thẩm quyền tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; kế hoạch giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định đầy đủ các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện theo thẩm quyền tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

- Nhiệm vụ được xác định có trọng tâm, lộ trình và đảm bảo thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Trách nhiệm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Góp phần đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, phấn đấu tỉnh Ninh Bình trở thành một trong các địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hướng chủ đạo; chất lượng môi trường sống, cân bằng, sinh thái được bảo đảm; nền kinh tế xanh, xã hội hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Về thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội; đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

- Đến năm 2030:

+ Kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

+ Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản bền vững; bảo đảm an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng. Thực hiện tốt mục tiêu quản lý rừng bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 28/01/2021.

+ Các ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong phạm vi quản lý, có biện pháp giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu đến ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính và tham gia các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.

+ Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng và hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai, chống xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất và các công trình chống ngập úng.

+ Bảo đảm 98% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 85% dân số được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu.

+ Đảm bảo số hộ dân sinh sống tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có chỗ ở an toàn. Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời tại những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

- Đến năm 2050:

+ Tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, quản lý hiệu quả tài nguyên nước và đất, cải thiện chất lượng môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đảm bảo an toàn trước thiên tai. Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp thông minh hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao.

+ Quản lý, bảo vệ hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn trên địa bàn; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái.

[...]