Kế hoạch 1908/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1908/KH-UBND
Ngày ban hành 14/10/2022
Ngày có hiệu lực 14/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1908/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI KẾT QUẢ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 26 CÁC BÊN THAM GIA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

2. Mục tiêu cụ thể

- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương được rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

- Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 70% xăng E5; giảm 22,5% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 29,7% trong nông nghiệp, 48% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 13,7% lượng hấp thụ các bon, 41,9% trong xử lý chất thải, 26,4% trong quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng.

- Đến năm 2030, đóng góp vào tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng điện; góp phần giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

- Hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, thị trường giao dịch tín chỉ các-bon. Đến năm 2030, thị trường các-bon trên địa bàn tỉnh được vận hành, liên thông, kết nối với thị trường các-bon trong nước.

- Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển rừng bền vững.

- Thực hiện sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh.

- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu; phát triển đồng bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tăng cường năng lực, truyền thông phục vụ phát triển các-bon thấp, giảm phát thải.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon

- Phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối...); khuyến khích sử dụng nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon. Đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản phục vụ sản xuất pin, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện không phát thải.

- Tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.

2. Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh

- Thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện. Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại khu vực đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.

- Thúc đẩy chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.

- Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.

3. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng

- Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, sử dụng công nghệ hiện đại, ít phát thải; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên hiện có để giảm phát thải, tăng lượng hấp thụ các-bon rừng; trồng rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng.

4. Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên

- Bảo vệ, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng vốn có trên địa bàn.

- Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, đặc biệt đối với các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động của xâm nhập mặn.

[...]