Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2023 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 186/KH-UBND
Ngày ban hành 16/10/2023
Ngày có hiệu lực 16/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và xét đề xuất của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 3948/TTr-SYT ngày 05/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

I. Phân tích, đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS

1. Giai đoạn 2014-2020

- Tình hình lây nhiễm dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh: ghi nhận khoảng 50 ca/năm; với nam giới chiếm đa số (72%), nữ giới (28%). Độ tuổi chủ yếu từ 16-35, chiếm tỷ lệ trên 68,35%; số mắc mới HIV có xu hướng trẻ hoá. Có đến 95% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi 16-49 tuổi là độ tuổi lao động, đã tác động đến lực lượng lao động của từng gia đình, cộng đồng và xã hội, cũng như tăng gánh nặng cho các dịch vụ về y tế.

- Phân tích tình hình lây nhiễm HIV theo cấp huyện: dịch HIV đã xuất hiện tại 13/13(100%) huyện, thị xã, thành phố và 146/173(84,39%) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 489 bệnh nhân.

2. Giai đoạn 2021-2023: Tình hình người nhiễm HIV mới và phát hiện AIDS trên toàn tỉnh trong thời gian gần đây vẫn còn ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước (khoảng 50-60 ca/năm); số người tử vong do HIV/AIDS giảm; tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của tỉnh dưới 0,05% dân số (toàn quốc 0,3%).

Nhìn chung, tỷ lệ người nhiễm HIV giai đoạn 2021-2023 trong cộng đồng dưới 0,05% dân số, đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy vậy, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan thầm lặng với một số thay đổi như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, đặc biệt nhóm tình dục đồng giới (MSM) ngày càng tăng và người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như lớp trẻ học sinh, sinh viên... Ngoài ra, quan hệ tình dục khác giới với những người nhiễm HIV có thể là vợ/chồng của người nhiễm HIV, có thể là người hành nghề mại dâm, trường hợp vợ người nghiện chích ma túy có HIV đã bị nhiễm HIV do lây từ chồng, người như tiêm chích ma túy; theo đó, bệnh dịch HIV tuy có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn các yếu tố gây phát sinh gia tăng nếu không có nhũng biện pháp ứng phó.

(Phụ lục 01 đính kèm)

3. Phân tích các đáp ứng với dịch HIV/AIDS ở địa phương

3.1. Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS

a) Thông tin giáo dục thay đổi hành vi trong phòng lây nhiễm HIV/AIDS

- Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú; chú trọng tuyến xã, phường, thị trấn. Phát các bài tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS trên hệ thống loa đài truyền thanh.

- Ngành Y tế đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, thực hiện nhiều phóng sự truyền hình, đăng tải tin bài về phòng, chống HIV/AIDS và hàng năm đều mở các chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tháng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.

- Các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn và các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống HIV/AIDS tại các xã, phường, thị trấn, cụm dân cư. Phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị, hội thi cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, các doanh nghiệp, trường học. Tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49), công nhân tại khu công nghiệp, sinh viên, học sinh...

- Tổ chức truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV: Người nghiện chích ma tuý, gia đình có người nhiễm HIV...

- Cấp phát nhiều loại tờ rơi, sách mỏng, tạp chí AIDS và cộng đồng, làm mới và duy tu sửa chữa nhiều cụm panô để tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS…… ở những địa điểm như: Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế, trung tâm tập trung dân cư và nơi có nhiều người qua lại trong cộng đồng.

b) Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV

- Cấp miễn phí bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho đối tượng nguy cơ cao.

- Các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao tại các xã, phường, thị trấn.

- Thành lập nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để tiếp cận đối tượng mại dâm, ma túy và đối tượng có nguy cơ cao khác; cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm.

- Triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone: Thành lập 01 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2015 (nay là Khoa Phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), đã điều trị cho 150 người nghiện chích ma tuý tại các huyện, thị xã, thành phố, sau thời gian điều trị đã có hơn 100 người hoàn toàn không sử dụng ma tuý.

3.2. Chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS.

a) Hoạt động tư vấn, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm, tiếp cận điều trị AIDS

- Trên địa bàn tỉnh có 01 phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

[...]