Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình hành động 21-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 186/KH-UBND
Ngày ban hành 26/09/2018
Ngày có hiệu lực 26/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 21-CTr/TU NGÀY 14/5/2018 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TW NGÀY 12/01/2017 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có, từng bước khai thác bền vững tiềm năng lợi thế của rừng; tăng cường đầu tư, cải tạo, phát triển, làm giàu rừng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái rừng.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chương trình hành động của Thành ủy và mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân làm nghề rừng; gắn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

2. Yêu cầu

- Bám sát để tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Thành phố.

- Triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương có rừng, đúng quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.

- Các sở, ban, ngành Thành phố có liên quan, UBND các huyện, thị xã và chính quyền địa phương có rừng, đất lâm nghiệp triển khai thực hiện mục tiêu, giải pháp Chương trình đề ra.

- Các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành khối lượng công việc theo quy định; khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và đề xuất tháo gỡ khó khăn, hoàn thành Kế hoạch.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

- Các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các huyện, thị xã có rừng, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đến cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

- Hàng năm, UBND các huyện, thị xã có rừng, đất lâm nghiệp chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng trên các phương tiện thông tin của địa phương.

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng quy định pháp luật.

2. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương

- Triển khai, thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng khai thác rừng đúng quy định, đặc biệt công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức và Sóc Sơn. Triển khai thực hiện giao đất, giao rừng đúng quy định cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gắn với xác định mốc giới 3 loại rừng ngoài thực địa (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) đảm bảo rừng thực sự có chủ và người dân sống được bằng nghề rừng. UBND các huyện, thị xã có rừng kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, chấm dứt việc mua bán, sang tên chuyển nhượng rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật. Làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế 7 huyện, thị xã có rừng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp trái pháp luật. Xây dựng quy chế phối hợp các tỉnh bạn có diện tích rừng giáp ranh, giải quyết dứt điểm tranh chấp địa giới hành chính.

- Xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường trồng mới, chăm sóc diện tích rừng đã có, góp phần làm tăng độ che phủ rừng, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí 20m2 cây xanh/người và tăng dần các năm tiếp theo.

3. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các huyện, thị xã có rừng, đất lâm nghiệp xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện Dự án: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng”, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế của Thành phố.

- Xây dựng quy hoạch sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu (du lịch sinh thái, tâm linh, cây dược liệu, các sản phẩm lâm sản từ rừng).

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch được duyệt, đặc biệt các dự án liên quan tác động ảnh hưởng đến rừng, các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, các công trình phòng cháy chữa cháy rừng, dự án phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

- Xây dựng thí điểm mô hình trồng rừng bằng giống mới, phù hợp điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, có khả năng bảo vệ độ phì nhiêu của đất, môi trường rừng của Hà Nội, làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng mới, thay thế rừng trồng bằng các giống cây: Keo, Bạch đàn có giá trị thấp.

4. Điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, cắm mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và ngoài thực địa

[...]