Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2014 triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 185/KH-UBND
Ngày ban hành 31/10/2014
Ngày có hiệu lực 31/10/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Xuân Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện các Quyết định: số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về việc phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/ QĐ-TTg ngày 04/12/2013 ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong thời kỳ mới.

Tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc theo đúng các quy định của Nhà nước; Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từ thành phố đến cơ sở.

2. Yêu cầu

Các cấp, các ngành và UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức căn cứ chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các cấp, các ngành; UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nội dung nêu trong Kế hoạch nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào dân tộc với các vùng khác trên địa bàn Thành phố.

Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc m cho đồng bào hiểu rõ họ chủ thể, nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ; các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân tộc ở xã, thôn bàn bạc dân chủ, quyết định và tổ chức thực hiện.

Các cấp, các ngành, các địa phương đầu tư lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án; huy động sự đóng góp của nhân dân; thường xuyên kiểm tra và sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức quán triệt sâu, rộng trong các cấp, các ngành, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về nội dung của Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về việc phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ; Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc.

2. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ, nâng cao điều kiện sống, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; Làm tốt công tác quy hoạch dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với quy hoạch sản xuất ổn định; Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt tập trung cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015 - 2020.

Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, y tế, điện, nước sạch hợp vệ sinh môi trường;

Xây dựng và tổ chức thực hiện một số chính sách đặc thù của Thành phố để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn không nằm trong diện đầu tư của Chính phủ.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng và đặc điểm tập quán của từng dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng chính sách sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi để đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Huy động nguồn lực tiếp tục hỗ trợ làm nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục đào tạo. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phát triển hoàn thiện mạng lưới trường lớp các cấp, đặc biệt ở cấp mầm non, mẫu giáo và trung học phổ thông. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn chỉnh hệ thống trường dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí. Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tập quán lao động sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế các xã vùng sâu, vùng xa theo hướng đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở nhất là các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tá thôn bản; tuyên truyền vận động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Tăng cường công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; có cơ chế chính sách khuyến khích các nghệ nhân, những người có công bảo tồn phát huy vốn văn hóa truyền thống. Phát triển các môn thể dục thể thao truyền thống. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào các dân tộc.

Phát huy các nguồn lực, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để phát triển du lịch sinh thái. Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các loại hình, sản phẩm du lịch với du khách và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổ chức thực hiện tốt các đề án về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán là người dân tộc thiểu số tại cơ sở và thu hút cán bộ có năng lực về địa phương. Tiếp tục kiện toàn cơ quan làm công tác dân tộc các cấp.

Rà soát các xã trọng điểm phức tạp, còn nhiều yếu kém, bức xúc để bố trí cán bộ có năng lực tăng cường giúp cơ sở giải quyết tồn tại. Thường xuyên quan tâm, động viên các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia vận động, tuyên truyền cho nhân dân về chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng.

7. Đầu tư phát triển thông tin truyền thông vùng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo quyền tiếp cận và hưởng thụ thông tin của người dân. Tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng các thứ tiếng dân tộc.

[...]