Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 05/06/2014
Ngày có hiệu lực 05/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công văn số 1301/UBDT-KHTC ngày 20/12/2013 của Ủy ban Dân tộc về việc xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác dân tộc, xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định của Đảng và Chính phủ về công tác dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chính sách cụ thể trên địa bàn tỉnh để triển khai những nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 một cách có hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ bằng việc xây dựng các chương trình, chính sách, dự án, đề án thuộc lĩnh vực ngành, địa phương phụ trách để hỗ trợ đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, cho đối tượng là người dân tộc thiểu số (DTTS) và tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đặc biệt quan tâm ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh, huyện, xã.

- Các cấp, các ngành xác định cụ thể nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo chức năng nhiệm vụ liên quan, phân công lãnh đạo phụ trách quản lý, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn.

- Thực hiện nghiêm túc công tác tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 về cơ quan thường trực theo quy định.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc;

- Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược); Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động);

- Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chỉ thị).

III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bằng nhiều hình thức tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chiến lược và Chỉ thị, quán triệt ý nghĩa tầm quan trọng của Chiến lược và Chỉ thị trong giai đoạn hiện nay; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện có hiệu quả Chiến lược của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tập trung thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng III, vùng cao, biên giới; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 27/10/2010 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch dân cư và quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng vùng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn từ Chương trình 135 giai đoạn III, Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...; thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, tạo thuận lợi để hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, tiếp cận các nguồn lực và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội.

3. Tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. Chỉ đạo thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án như: Chương trình 135 giai đoạn III, Chương trình 120, Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, v.v... để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về cầu, đường giao thông, điện lưới, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, phát triển các chợ đầu mối, xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao tại các xã, cụm xã, phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, v.v...; quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

4. Phát triển giáo dục, đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; bổ sung, hoàn thiện mạng lưới các trường và cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, quan tâm đầu tư xây dựng các trường bán trú, bán trú dân nuôi ở các cấp học; củng cố, mở rộng quy mô hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người DTTS vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định cụ thể của tỉnh về tuyển sinh người DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp theo chính sách cử tuyển hiện hành.

5. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các DTTS, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở xã. Nghiên cứu xây dựng chính sách sử dụng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường. Đổi mới hình thức đào tạo nghề, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, gắn với qui hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020.

6. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, quan tâm các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ xã; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đến từng thôn, bản, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền, tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đến từng thôn bản; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự thôn bản, cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư.

7. Phát triển toàn diện các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đẩy mạnh phát triển y tế cộng đồng thôn, bản, đào tạo và tăng cường đội ngũ cán bộ y tế thôn bản ở vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho các cháu mẫu giáo, mầm non nhằm cải thiện tầm vóc và sức khỏe thanh, thiếu niên DTTS.

8. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa về ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào DTTS; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với việc giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em nghèo vùng đặc biệt khó khăn.

9. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quan tâm củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc chống phá Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

10. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác dân tộc trên địa bàn.

[...]