Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1839/KH-UBND kiểm tra công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và công vụ năm 2024 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 1839/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2024
Ngày có hiệu lực 15/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1839/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 15 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CÔNG VỤ NĂM 2024

Triển khai Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2024; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và công vụ năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các Sở, ngành, địa phương; phát huy những mặt tích cực, nhân rộng các mô hình sáng kiến cải cách hành chính và chuyển đổi số; chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh.

- Tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thông qua kết quả kiểm tra, rút ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính trong thời gian đến; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ. Đồng thời kiến nghị với lãnh đạo các cấp liên quan để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, hiệu quả và đúng quy định, không gây trở ngại đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra.

- Làm rõ kết quả, hiệu quả thực chất của cải cách hành chính và chuyển đổi số; đối với những tồn tại, hạn chế và các hành vi vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan.

- Tập trung kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm chuyển biến trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số; đơn vị, địa phương có khối lượng hồ sơ tồn đọng, trễ hạn lớn, có dấu hiệu nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp các nội dung kết luận; các đề xuất, kiến nghị của đơn vị, địa phương tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định sau khi tiến hành kiểm tra tại các đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra toàn diện công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số

- Việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong năm 2023; việc tổ chức, triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh năm 2024 (tính đến thời điểm kiểm tra).

- Việc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá đối với tỉnh: Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước đối với tổ chức và công dân (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

- Việc khắc phục các tồn tại, hạn chế chỉ ra trong Chỉ số PARINDEX, SIPAS, DTI và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI)

b) Kiểm tra chuyên đề

- Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực y tế;

- Việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử.

c) Kiểm tra công vụ

Kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hoá công sở, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

2. Đơn vị, địa phương được kiểm tra

a) Kiểm tra toàn diện công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số

- Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Ngoại vụ, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[...]