Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2016 về nâng cao chỉ số hiệu quả Quản trị Hành chính công của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 183/KH-UBND
Ngày ban hành 01/08/2016
Ngày có hiệu lực 01/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Hà Giang, ngày 01 tháng 08 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ HÀNH CHÍNH CÔNG CỦA TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của người dân về sự hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả PAPI là nguồn dữ liệu giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Năm 2015, PAPI của Hà Giang thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất (31,72/60 điểm)[1]. Trong đó, điểm các nội dung so với điểm cao nhất trong năm lần lượt như sau: Cung ứng dịch vụ công đạt 6,86/7,8 điểm; Thủ tục hành chính công đạt 6,34/7,5điểm; Công khai, minh bạch đạt 5,14/7,2 điểm; Kiểm soát tham nhũng đạt 4,76/7,3 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,70/7,5 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 3,92/6,4 điểm. Chỉ số PAPI năm 2015 so với năm 2011 có 2 nội dung tăng điểm (Cung ứng dịch vụ công tăng 0,99 điểm; Công khai, minh bạch tăng 0,31 điểm), 4 nội dung còn lại đều giảm điểm, giảm nhiều nhất là Trách nhiệm giải trình với người dân (- 0,96 điểm).

Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; cải thiện, nâng cao hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định nhiệm vụ, giải pháp chiến lược và cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn;

- Phấn đấu hằng năm các chỉ số nội dung của PAPI được xếp trong nhóm có điểm trung bình thấp, đến năm 2020 thuộc nhóm có điểm trung bình cao trở lên;

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn 2016 - 2020 phải thực hiện đồng bộ với Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn II (2016 - 2020) và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

- Cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đối với nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải triển khai thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thực hiện theo quy định;

- Phát huy kết quả công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 để thực hiện việc bầu cử chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố định kỳ bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng luật;

- Các ngành, các cấp tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Đối với nội dung “Công khai, minh bạch”

- Thực hiện quy trình điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng hộ nghèo hằng năm đúng quy định, đảm bảo đúng đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và quy định hiện hành. Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện không đúng các quy định về chính sách cho hộ nghèo;

- Thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức và nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản tài chính, tài sản công;

- Các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân sở tại. Thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và tại trụ sở UBND cấp xã. Kịp thời cập nhật, công khai khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc khung giá đất. Phải công khai và thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất Công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư;

- Thông qua Đài truyền thanh - Truyền hình huyện, hệ thống loa truyền thanh ở thôn/tổ dân phố (bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để công khai, minh bạch thông tin đến người dân về danh sách hộ nghèo, thu, chi ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù.

3. Đối với nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”

- Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khúc mắc, khiếu nại, tố cáo của công dân;

- UBND các cấp cần chủ động tương tác tích cực với người dân thông qua các buổi tiếp dân định kỳ hoặc bất thường để nâng cao trách nhiệm giải trình trực tiếp với người dân. Thực hiện tốt Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trong đó có các quy định về sự tham gia giám sát của cộng đồng, đặc biệt là các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng;

- Nghiên cứu sáp nhập Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tại các xã, phường, thị trấn;

- Thường xuyên tập huấn để nâng cao kỹ năng, chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; tạo cơ chế thuận lợi để Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng huy động nguồn lực từ cộng đồng và các tổ chức xã hội;

[...]