Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

Số hiệu 90/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 08/08/2013
Ngày có hiệu lực 30/09/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN ĐƯỢC GIAO

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình; quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng cho các đối tượng sau:

1. Các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam có yêu cầu giải trình.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

2. Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

3. Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện và áp dụng pháp luật về trách nhiệm giải trình

1. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải theo những nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

2. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về trách nhiệm giải trình thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Điều 5. Những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình

1. Người giải trình không có trách nhiệm giải trình đối với các nội dung sau:

a) Nội dung thông tin liên quan đến bí mật nhà nước;

b) Những nội dung liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới;

[...]