Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 182/KH-UBND
Ngày ban hành 23/07/2021
Ngày có hiệu lực 23/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Lê Duy Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VÀ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 25/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 25/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người lao động và nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện.

- Xác định toàn diện các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu.

- Tổ chức xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể,... nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh cũng như của cả nước đã đề ra.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; Các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, nhiệm vụ,... trong Kế hoạch triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

- Phân công rõ ràng trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh với lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, phù hợp;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; Sơ kết, tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công Nghị quyết.

- Quá trình tổ chức thực hiện phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của tỉnh.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững. Củng cố quốc phòng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Phấn đấu đến năm 2025: Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5 - 9,0%/năm;

(2) Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 61,5 - 62,0%; Dịch vụ chiếm 32 - 32,5%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6 - 6,5%.

(3) GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng (giá hiện hành).

(4) Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn hàng năm đạt 30-35% GRDP theo giá hiện hành.

(5) Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6 - 8%/năm.

(6) Thu hút thêm vốn đầu tư 5 năm: FDI: 2,0 - 2,5 tỷ USD; DDI: 20 - 25 nghìn tỷ đồng.

(7) Tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 11%/năm.

(8) Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 50%.

[...]