Kế hoạch 1819/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1819/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2019
Ngày có hiệu lực 02/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1819/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 02 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY CHUYỂN GIAO, LÀM CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

Triển khai Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó một số ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh - quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thực hiện đảm bảo các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Lâm Đồng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh;

b) Tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: công nghệ thông tin; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; quốc phòng và an ninh phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh;

c) Nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào địa phương.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Thực hiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh:

a) Triển khai đồng bộ, kịp thời và phù hợp hệ thống cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh, phát triển thị trường, tạo lập thị trường ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ trong nước đạt tiêu chuẩn kỹ thuật so với nước ngoài trong các dự án đầu tư;

b) Hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài trợ, hỗ trợ cho vay từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh đáp ứng nhu cầu chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài và tỉnh của doanh nghiệp;

c) Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp thu, làm chủ, khai thác hiệu quả công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh.

2. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh:

a) Rà soát và lồng ghép đầu tư mới, nâng cấp hạ tầng nghiên cứu phát triển công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ tổ chức, doanh nghiệp làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh với các chương trình đầu tư phát triển, chương trình, đề án khác có liên quan;

b) Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình để nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

a) Hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ;

b) Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân lực thuộc tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp;

c) Tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh cho kỹ sư, kỹ thuật viên.

4. Xác định định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh trong các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, trình độ sản xuất và năng lực làm chủ, tự thiết kế, sáng tạo công nghệ trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Chú trọng tập trung các ngành, lĩnh vực sau đây:

a) Công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao;

b) Bảo quản và chế biến nông, lâm sản, thủy sản;

c) Công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng;

d) Dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh;

đ) Công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu;

[...]