Kế hoạch 179/KH-UBND năm 2023 phát động phong trào thi đua “Cán bộ, đảng viên 3 gương mẫu, Nhân dân 3 tự giác, doanh nghiệp vận tải và lái xe 3 an toàn” bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 179/KH-UBND
Ngày ban hành 22/09/2023
Ngày có hiệu lực 22/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN 3 GƯƠNG MẪU, NHÂN DÂN 3 TỰ GIÁC, DOANH NGHIỆP VẬN TẢI VÀ LÁI XE 3 AN TOÀN” BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 23-CT/TW); Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 10/CT-TTg); Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 21/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW (Chương trình hành động số 35-CTr/TU); Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 04/11/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 23/8/2023 của UBND tỉnh về quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU; đồng thời, để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Cán bộ, đảng viên 3 gương mẫu, Nhân dân 3 tự giác, doanh nghiệp vận tải và lái xe 3 an toàn” bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai sâu rộng, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về TTATGT, nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị Số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo và kế hoạch của Bộ Công an, Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 97/KH-UBND và Kế hoạch số 161/KH-UBND của UBND tỉnh đến từng cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, doanh nghiệp vận tải và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực toàn diện hơn nữa trong công tác bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông (TNGT) một cách rõ nét, bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp Nhân dân. Vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông; sự tự giác của người dân và việc đảm bảo an toàn của chủ phương tiện và lái xe cùng quyết tâm kiềm chế TNGT, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

- Thông qua kết quả phong trào, phát hiện, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ thực thi công vụ và bà con Nhân dân, các doanh nghiệp vận tải... có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua phải được phát động, triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các tầng lớp Nhân dân cùng hưởng ứng, tự giác chủ động tham gia; phấn đấu hoàn thành và đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, tránh phô trương, hình thức. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy được những mô hình, sáng kiến, cách làm sáng tạo của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT.

- Việc triển khai phong trào phải thực hiện thường xuyên, liên tục, có theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và gắn kết chặt chẽ với công tác động viên, khen thưởng. Khen thưởng phải trên cơ sở kết quả thi đua, bảo đảm kịp thời, thực chất, chính xác, công khai, đúng quy định.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN VÀ CHỈ TIÊU THI ĐUA

1. Cán bộ, đảng viên 3 gương mẫu

1.1. Gương mẫu trong chỉ đạo, điều hành

- Cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được giao phụ trách của các cơ quan, đơn vị, địa phương và chính quyền các cấp phải thường xuyên nghiên cứu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của các bộ, ngành liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai, thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình và của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc quyền quản lý.

- Quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quản lý các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của các bộ, ngành liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT; trọng tâm là: Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 23-CT/TU và Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 97/KH-UBND và Kế hoạch số 161/KH-UBND của UBND tỉnh...

- Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, đề ra các phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT với quan điểm “Xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng”.

* Chỉ tiêu: 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc.

1.2. Gương mẫu trong thực thi pháp luật

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, phải triển khai đồng bộ các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, của lực lượng thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT.

- Quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về TTATGT phải tuyệt đối “thượng tôn pháp luật”. “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tuyệt đối không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; lực lượng chức năng tuyệt đối không “xuê xoa”, bỏ qua vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm pháp luật về TTATGT phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực thi pháp luật, xác định lực lượng nòng cốt là các đơn vị liên quan thuộc Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải. Trực tiếp, thường xuyên là lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp, Công an cấp xã và Thanh tra giao thông, các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phương tiện, người lái và hạ tầng giao thông của Sở Giao thông vận tải.

* Chỉ tiêu: 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc.

1.3. Gương mẫu vận động người thân, gia đình và Nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT

- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè, bà con làng xóm, thôn, tổ dân phố chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; tuyệt đối không can thiệp vào việc xử lý của các cơ quan chức năng.

- Chủ động phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao thông. Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và coi việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một trong những tiêu chí bình xét thi đua cuối năm đối với tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương thành lập các tổ, đội, mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT và tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản về an ninh, trật tự, TTATGT ở cơ sở.

- Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện phong trào thi đua này với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác như: Phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc ”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả

[...]