ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 97/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
28 tháng 4 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
QUÁN
TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY
19/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TTATGT TRONG
TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng,
Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban ngành, địa
phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(TTATGT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an
ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội và đối ngoại của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp,
tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao.
Riêng trong Quý I năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 48 vụ
TNGT, trong đó 20 vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 20 người; khoảng
64% nạn nhân TNGT trong độ tuổi lao động, gây tổn thương đến gia đình người bị
nạn nói riêng và xã hội nói chung. TNGT liên quan phương tiện vận tải hành
khách, hàng hóa có chiều hướng gia tăng, chiếm 50% tổng số vụ tai nạn. Trật tự,
kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, vẫn còn một
bộ phận người dân vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe vi phạm nồng độ cồn,
ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, đi
không đúng làn đường, phần đường; tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển
xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều... bất chấp sự an nguy của
người tham gia giao thông. Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ tuy
chưa xảy ra và gây thiệt hại về người và tài sản nhưng tiềm ấn nhiều nguy cơ mất
an toàn khi một số đối tượng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực
lượng thi hành công vụ.
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu
do gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều
bất cập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại thành phố Quảng Ngãi, các tuyến
quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu
quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa chủ động và sâu sát trong lãnh đạo, chỉ
đạo công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn, “khoán trắng” cho các lực lượng
chuyên trách. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của một số sở, ban ngành, địa
phương còn hạn chế, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách
nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm
để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông.
Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên một
bộ phận người dân có biểu hiện “nhờn luật” khi tham gia giao thông. Đầu tư nguồn
lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động
quản lý, giám sát, điều hành giao thông chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ
trong tình hình hiện nay.
Để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu
quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị số 10/CT-TTg);
xét đề xuất của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 2092/TTr-CAT-PV01(CS), Chủ
tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt, triển khai Chỉ thị số
10/CT-TTg đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân trên địa
bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, xây dựng
văn hóa giao thông. Mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là: “Thiết lập
trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia
giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự
giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước
hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm
là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục
tình trạng ùn tắc giao thông”.
2. Các cấp, các ngành phải có tư duy, nhận
thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều
hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận
thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Công
tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm: “Đổi mới về tư duy, nhận thức
và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội,
là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội của tỉnh. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực,
nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết,
trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt
động của lực lượng chức năng”.
3. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà
nước của các cơ quan chức năng, gắn với phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính
trị trong thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, góp phần kiềm
chế TNGT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
4. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt trật tự,
kỷ cương trong bảo đảm TTATGT, nhất là hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa,
hành khách trên địa bàn tỉnh.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG
TÂM
1. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công
an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác bảo đảm TTATGT. Các sở, ban ngành, địa
phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm
TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về
công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Xem xét, xử lý trách
nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy
ra phức tạp trên địa bàn, lĩnh vực do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm
tra, giám sát hoặc thực hiện không đày đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất
cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá
thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm
tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của
các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về
giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan, đến đầu
tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông (ATGT).
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về
TTATGT phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại
lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo đúng
quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên can
thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ
quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi
phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm
pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm
theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố,
điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người
thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
3. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như: Điều
khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới”
thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải, tránh vượt sai quy định, không chấp
hành tín hiệu giao thông... Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát,
xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến
tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia - Không
lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và
lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
Từng ngành, từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể
để chỉ đạo kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung
các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch...
Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu,
bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, ATGT và trật tự, an toàn xã hội. Căn
cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện
trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt
động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.
4. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ
hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo
và trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển
biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong
công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách
nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì
hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng
dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự
báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác
chỉ đạo, điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
5. Tập trung tham gia rà soát, sửa đổi, bổ
sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời
yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất
trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông
đường bộ và Luật Đường bộ; tham gia rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài
trong Bộ Luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao
thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm,
là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc
độ, vượt đèn đỏ, chở quá tải trọng cho phép...
6. Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy
hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
ngành, lĩnh vực, địa phương...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng
các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng
điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT. Không đưa vào sử dụng
các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật
về xây dựng. Khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về TNGT và các bất
hợp lý trong tổ chức giao thông. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cơ giới
đường bộ; tham gia hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện
và hạ tầng.
7. Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản
lý phương tiện cơ giới đường bộ, theo hướng định danh phương tiện gắn với định
danh cá nhân. Phối hợp tuyên truyền, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí tài sản
công, nguồn tài nguyên biển số phương tiện.
8. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất,
trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều
hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết
TNGT...; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ
liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng... Huy
động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng
chuyên trách thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu
và cứu chữa nạn nhân TNGT.
9. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa,
không để ùn tắc giao thông tại địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và các tuyến
quốc lộ trọng điểm kết nối liên tỉnh. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông
khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng
đường, hè phố, xử lý nghiêm các vi phạm đi đôi với việc sắp xếp nơi trông giữ
xe, xây dựng, áp dụng phổ cập mô hình các bãi đỗ xe thông minh tại các đô thị.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh
- Chủ động phối hợp tuyên truyền và tham gia Dự án
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đề án tổng thể về định danh biển số
xe ô tô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân.
- Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và Ủy ban
nhân dân cấp huyện tổ chức tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô
tô vận tải container trên toàn tỉnh (hoàn thành trong Quý II/2023).
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường
công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý
những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng. Thực
hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia
giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản
phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ
động tham mưu UBND cùng cấp có văn bản triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
Kế hoạch này và Chỉ thị số 10/CT-TTg.
- Nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các giải pháp phòng
ngừa, không để ùn tắc giao thông; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các phương án
phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông xảy ra phù hợp với tình hình thực tế ở
mỗi tuyến đường, địa phương, không để ùn tắc giao thông kéo dài.
- Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử
lý TNGT, kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc
kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời,
theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức
thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp
đã có kiến nghị để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
- Đối với tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đánh giá nguyên nhân, triển
khai ngay các giải pháp khắc phục bất cập, rút kinh nghiệm và xem xét cá thể
hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu,
tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh
vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức và hình thức xử phạt, nhất là
người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn; nhóm các hành vi do lỗi
cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định...; bổ sung các hình
thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái
xe...; phối hợp với Sở Y tế, Sở Tư pháp nghiên cứu tham mưu kiến nghị cấp có thẩm
quyền quy định thu hồi Giấy phép lái xe đối với người sử dụng ma túy, người
nghiện ma túy.
- Triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu Trung tâm
thông tin chỉ huy, điều hành của lực lượng Cảnh sát giao thông theo chỉ đạo của
Bộ Công an nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành, giám sát và xử lý
các hành vi vi phạm về TTATGT trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức điều
tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT theo đúng quy định của pháp luật; quá trình điều
tra, phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao
thông; ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, cần phải xác định, làm rõ
nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan
trong công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong vụ TNGT phục vụ công
tác phòng ngừa và xử lý TNGT chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật; xử
lý các cơ sở, cá nhân có hành vi “độ, chế” các loại xe ô tô, mô tô. Phối hợp với
Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét đưa ra xét xử công
khai, lưu động đối với một số vụ án xâm phạm ATGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng để tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa chung.
- Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp
luật liên quan đến hoạt động giao thông, vận tải như: Sản xuất, mua bán, sử dụng
các loại giấy tờ giả của phương tiện và người điều khiển phương tiện; vi phạm
xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; sửa chữa các
thông số kỹ thuật để kiểm định cho các phương tiện giao thông vận tải không
đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa phương tiện không bảo đảm an toàn vào hoạt động;
các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp
luật về bảo đảm TTATGT.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về giao thông: (1) Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo
Quảng Ngãi mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ATGT, ưu tiên tuyên
truyền vào các “khung giờ vàng”, giờ sinh hoạt chung để tiếp cận được các tầng
lớp Nhân dân; (2) chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp
với Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, thông
báo, cảnh báo, phòng ngừa TNGT đối với các tuyến đường đồi núi hiểm trở, các
ngày thời tiết không bảo đảm an toàn, đường trơn trượt do trời mưa, sương mù; (3)
phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
về giao thông và tập huấn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh,
sinh viên; tổ chức cho nhà trường, phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành
pháp luật khi tham gia giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm
TTATGT khu vực trường học; (4) điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động
các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ký cam kết chấp hành pháp luật về giao
thông và chủ động yêu cầu lái xe cam kết chấp hành pháp luật về giao thông. Phối
hợp với các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tuyên truyền, vận động
chủ doanh nghiệp, người lao động ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai hiệu quả
các dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực TTATGT. Tăng cường kiểm tra, giám
sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, chấn chỉnh việc tuân thủ quy
trình công tác, tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong thực
hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, tạo chuyển biến rõ nét về hình ảnh người Cảnh sát
giao thông bản lĩnh, nhân văn, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.
2. Sở Giao thông vận tải
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông
trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Chỉ đạo các đơn vị chức
năng có giải pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình
thi công, cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông. Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối
hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử
lý các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý các hành vi
vi phạm về TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Chỉ đạo, kiến nghị các
cơ quan quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp
cảnh báo, kiến nghị khắc phục các bất cập là nguyên nhân xảy ra TNGT; xử lý hoặc
kiến nghị xử lý nghiêm các đơn vị không khắc phục kịp thời, gây hậu quả TNGT.
- Rà soát, thực hiện việc phân cấp quản lý đường bộ,
bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và tổ chức giao thông cho các địa phương để
chủ động trong công tác tổ chức, quản lý giao thông và duy tu, bảo dưỡng, nâng
cấp, khắc phục “điểm đen” theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (hoàn
thành trong Quý III/2023).
- Tham mưu chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác
đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều
kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt
chẽ, chấm dứt tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người
không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào
tạo; nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện. Tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và
công tác đăng kiểm phương tiện.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức
tổng rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức
giao thông trên toàn tỉnh để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết hoặc
kiến nghị khắc phục (hoàn thành trong Quý II/2023). Tổ chức khắc
phục ngay những bất cập về tổ chức hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền khi có
kiến nghị của các cơ quan, tổ chức. Tham mưu xem xét, xử lý, kiến nghị xử lý
trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các “điểm
đen”, “điểm tiềm ẩn” để xảy ra ùn tắc giao thông và TNGT rất nghiêm trọng, đặc
biệt nghiêm trọng.
- Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải
hành khách, vận tải hàng hóa tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất
bến tại khu vực mỏ, nhà ga, bến cảng... đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết
hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm
tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện
sức khỏe... Quản lý chặt chẽ, kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối
với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông.
- Chủ động triển khai kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ
liệu giữa ngành Công an và Giao thông vận tải theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ
Giao thông vận tải (cơ sở dữ liệu về xe cơ giới sản xuất lắp ráp trong nước,
nhập khẩu; cơ sở dữ liệu đăng kiểm xe; cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe; cơ sở
dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh
doanh vận tải...) để phục vụ công tác quản lý và đấu tranh phòng, chống tội
phạm, bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh (hoàn thành trong năm 2023).
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn
chặn vi phạm, sai phạm, kịp thời chấn chỉnh việc thi hành pháp luật, quy trình
công tác của lực lượng Thanh tra giao thông trong thực thi công vụ.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các
cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng
tham gia giao thông an toàn của người dân nhằm từng bước xây dựng và hình thành
văn hóa giao thông trong toàn dân.
4. Sở Y tế
- Chỉ đạo tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân trong
các vụ TNGT; xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện
giao thông trong các vụ TNGT theo đúng quy định và chỉ đạo của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu,
bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tham gia hướng dẫn
các quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong cơ thể.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa
bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe, siết chặt quản lý đối với
hoạt động này. Khắc phục triệt để tình trạng cấp giấy khám sức khỏe có nội dung
không chính xác, cấp khống giấy khám sức khỏe để trục lợi; khi phát hiện các
trường hợp vi phạm phải phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng quy định
của pháp luật.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh: Tăng cường quán triệt cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm
các quy định của pháp luật về giao thông, không điều khiển phương tiện giao
thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm và
xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý nếu để cán bộ,
chiến sĩ vi phạm.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở
giáo dục phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; tổ chức cho học sinh,
sinh viên ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT và đưa việc
chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường,
giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị
liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để
tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường
bộ cho học sinh, sinh viên; mỗi học kỳ phải tổ chức ít nhất 01 buổi tuyên truyền
pháp luật về giao thông.
7. Sở Nội vụ
- Tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, vận động
chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, ban quản lý (người
đại diện) các cơ sở tín ngưỡng chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về TTATGT;
phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội biểu dương, khen thưởng,
nhân rộng các mô hình bảo đảm TTATGT đường bộ của các tổ chức tôn giáo trên địa
bàn tỉnh.
- Nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm
pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá
nhân; đồng thời, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ và người đứng đầu cơ
quan, đơn vị vi phạm (hoàn thành trong Quý II/2023).
8. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình
cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm
giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư
cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đạt hiệu quả và xây dựng lực lượng
thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số
05/NQ-CP ngày 14/02/2023 của Chính phủ. Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm TTATGT
theo hướng tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt
động quản lý, điều hành, giám sát giao thông của các lực lượng chức năng. Tham
mưu Chủ tịch UBND tỉnh bố trí nguồn lực cho công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp
hạ tầng giao thông, bảo trì hệ thống đường, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao
thông... thuộc quyền quản lý.
- Tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định
về chính sách thuế, lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký xe phù hợp với tình hình thực
tiễn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn
vốn đầu tư công cho công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của Luật Đầu tư công
và các quy định pháp luật liên quan.
- Cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư
công để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng Trung tâm
quản lý điều hành giao thông theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
10. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu
công nghiệp Quảng Ngãi
- Triển khai, phối hợp với các ngành chức năng thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được
giao và địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,
nhà thầu quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm rõ và
tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của
rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia - Không điều khiển
phương tiện giao thông”; tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và người
lao động chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT. Yêu cầu các doanh
nghiệp chấp hành nghiêm quy định về tải trọng phương tiện, tải trọng của hạ tầng
giao thông; không sử dụng phương tiện hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cơi nới thành, thùng; chạy đúng tuyến đăng
ký...
- Bảo đảm thực hiện Quy hoạch về hạ tầng giao thông
địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và tại các khu công nghiệp đồng bộ với quy hoạch
tổng thể. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ theo phân cấp; có giải pháp xử lý
kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường
bộ trái quy định, nhất là địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
- Tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý hoặc kiến nghị
giải quyết kịp thời “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT địa bàn Khu kinh tế Dung Quất;
xem xét, xử lý, kiến nghị xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều
lần nhưng chậm khắc phục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” để xảy ra ùn tắc giao
thông, TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và trách nhiệm của các đơn
vị được giao kiểm soát tải trọng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng
biển, bến bãi, mỏ vật liệu... để xe quá tải trọng, cơi nới thành thùng hoạt động
phức tạp tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
11. Ban An toàn giao thông tỉnh
- Tiếp tục phối hợp với cơ quan, đoàn thể tăng cường
tuyên truyền, phổ biến giáo, dục pháp luật về giao thông với nội dung, hình thức
đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
- Đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban ATGT các cấp
trong thời gian qua và tham mưu đề xuất mô hình, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với
yêu cầu tình hình mới.
- Tham mưu, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng
Ban An toàn giao thông tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả
công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng
Ngãi
- Tăng cường nội dung, thời lượng, ưu tiên bố trí
khung giờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của người
dân; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền thường xuyên về công tác bảo đảm
TTATGT vào các “khung giờ vàng” để khán giả dễ theo dõi.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Đài phát thanh địa phương tăng
cường phối hợp tuyên truyền về ATGT, thông báo, cảnh báo, phòng ngừa TNGT đối với
các tuyến đường đồi núi hiểm trở, các ngày thời tiết không bảo đảm an toàn, đường
trơn trượt do trời mưa, sương mù.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này, xây dựng
kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình,
yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của phòng, ban, cơ
quan, đơn vị chức năng và Chủ tịch UBND cấp xã. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm
của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước
về bảo đảm TTATGT để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, xử lý nghiêm
khắc nếu có sai phạm, để tình hình TTATGT diễn biến phức tạp trên địa bàn và
lĩnh vực quản lý.
- Đối với tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chủ trì đánh giá nguyên nhân, triển
khai ngay các giải pháp khắc phục bất cập, rút kinh nghiệm và xem xét cá thể
hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan... báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh (đồng gửi Công an tỉnh) để chỉ đạo kịp thời.
- Tập trung chỉ đạo: (1) Chỉ đạo các phòng,
ban chức năng, UBND cấp xã tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm
Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện
nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia - Không điều khiển phương tiện giao
thông”; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm
của lực lượng thực thi công vụ. Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp,
người thân, bạn bè chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất
là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Thủ
trưởng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ,
công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình vi phạm; (2) chỉ đạo lực
lượng Công an phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành tổng rà soát, làm việc
trực tiếp với các cơ sở kinh doanh có khả năng phát sinh vi phạm nồng độ cồn
trên địa bàn đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động khách đến ăn, uống chấp
hành nghiêm quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng
rượu, bia; có biện pháp phù hợp để hỗ trợ người đã sử dụng rượu, bia không điều
khiển phương tiện giao thông; (3) đối với địa bàn có xảy ra TNGT mà
nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức
tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban ATGT cùng cấp, lực lượng
Công an và các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định nguyên
nhân, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra TNGT nghiêm trọng do
người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn gây ra; (4) quản lý, bảo trì
hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm,
sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; (5) tăng cường tuyên
truyền, phổ biến trong Nhân dân các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ; tuyên truyền, cảnh giới, bảo đảm ATGT tại những nơi nguy hiểm, ảnh
hưởng bất lợi đến việc lái xe an toàn; các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt
không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ
ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội
đô, đường giao thông nông thôn.
- Bảo đảm thực hiện Quy hoạch về hạ tầng giao thông
đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích
hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ vận tải công cộng và các phương thức vận
tải bền vững khác trong quy hoạch tổng thể, bảo đảm ATGT tốt nhất; tổ chức kết
nối thuận tiện để người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, hội, đoàn thể
phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện mạnh mẽ, liên tục công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tuyên truyền
trên các trang thông tin báo chí, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại các
cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố...; nội dung
tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, lòng tự trọng
của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn
hóa không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; lên án
các hành vi vi phạm và đồng tình, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực
lượng chức năng. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
trên địa bàn cam kết không sử dụng lái xe nghiện ma túy, không đảm bảo về sức
khỏe theo quy định.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và địa phương đẩy
nhanh tiến độ, chất lượng và bảo đảm TTATGT tại các dự án đầu tư xây dựng, nâng
cấp kết cấu hạ tầng giao thông; thường xuyên kiểm tra, bảo trì kết cấu hạ tầng
giao thông theo phân cấp. Tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý hoặc kiến nghị giải
quyết kịp thời “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT trên địa bàn; xem xét, xử lý, kiến
nghị xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc
phục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” để xảy ra ùn tắc giao thông, TNGT rất
nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và trách nhiệm của các đơn vị được giao kiểm
soát tải trọng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy
nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu... để xe quá tải trọng hoạt động phức tạp
trên địa bàn.
- Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn
lực hợp pháp khác đầu tư triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các
tuyến đường trọng điểm và vị trí cửa ngõ của địa phương; đầu tư xây dựng lực lượng
Cảnh sát giao thông tại địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ
Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
12-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 14/02/2023 của Chính phủ.
- Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc xử
lý, cưỡng chế vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ
và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đề nghị, phê duyệt triển khai và quản
lý việc đấu nối vào quốc lộ đúng quy định, thời gian.
- Yêu cầu các doanh nghiệp tại địa phương tăng cường
tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm các quy định
về bảo đảm TTATGT: (1) Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa
phải chấp hành nghiêm quy định về tải trọng phương tiện, tải trọng của hạ tầng
giao thông; (2) đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải
chấp hành nghiêm về số người theo quy định, chạy đúng tuyến đăng ký; (3)
đối với doanh nghiệp quản lý đông người lao động phải tuyên truyền, vận động
người lao động chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã: (1) Quán
triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương
mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng,
chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia -
Không điều khiển phương tiện giao thông”; nghiêm cấm can thiệp, tác động
vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; (2)
phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, Bí thư Chi bộ, Tổ
trưởng dân phố, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, vận động người
dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao thông, nhất là “Đã uống rượu,
bia - Không điều khiển phương tiện giao thông”; (3) quản lý, bảo trì
hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến Nhân dân các
quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện xử lý kịp thời
các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ;
tuyên truyền, cảnh giới, bảo đảm ATGT tại những tuyến đường nguy hiểm ảnh hưởng
bất lợi đến việc lái xe an toàn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm
tại các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội đô, đường giao
thông nông thôn.
14. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: (1) Tiếp tục đẩy mạnh
hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự
giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, lồng ghép
với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và các
phong trào thi đua của từng tổ chức chính trị - xã hội; (2) đưa công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ; coi đây là nhiệm
vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và coi việc chấp hành pháp luật về
TTATGT là một trong những tiêu chí bình xét thi đua; (3) tổ chức đăng ký
thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn,
điển hình tiên tiến về ATGT.
15. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh: Tăng cường phối hợp với Công an tỉnh trong hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử các vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm
trọng, đặc biệt nghiêm trọng, TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện
gây tai nạn có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống
người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp
phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về
TTATGT.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương
có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này;
xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; thời gian hoàn
thành trước ngày 10/5/2023.
Giao Công an tỉnh chủ trì hướng dẫn, theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo
cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các
tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Công an tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công an huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, HC-QT,
các Phòng Ng/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, KTN (Vũ 385).
|
CHỦ TỊCH
Đặng Văn Minh
|