Kế hoạch 175/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 175/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2022
Ngày có hiệu lực 01/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Trần Đức Quý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/KH-UBND

Hà Giang, ngày 01 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TU NGÀY 01/5/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN XÓA BỎ HỦ TỤC, PHONG TỤC, TẬP QUÁN LẠC HẬU, XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025”, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời xóa bỏ những hủ tục, nghi lễ rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở, bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 199/CT-UBND, Kế hoạch của UBND tỉnh, hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp ở các cấp.

b) Trong quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo hiệu quả, thực chất. Các nội dung phải được xác định lộ trình, thời gian, phương pháp triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, dân tộc; đồng thời nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng; hội viên Hội nghệ nhân dân gian...

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu đến hết năm 2022, 100% cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

2. Phấn đấu đến hết 2025, có từ 75% trở lên các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán, lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ.

3. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong, mỹ tục, bài trừ các hoạt động mê tín, dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống thương mại hóa, vụ lợi; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng, không gây ô nhiễm môi trường.

4. Triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, xây dựng một số không gian văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến các Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự..., các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Chỉ thị 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU, Chương trình số 199/CT-UBND của UBND tỉnh và các hành vi lợi dụng hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để trục lợi, các hành vi vi phạm về hôn nhân gia đình, xâm hại trẻ em...

b) Biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, phù hợp với từng nhóm đối tượng, dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân không vi phạm các quy định của Nhà nước trong việc cưới, việc tang; việc tổ chức các lễ hội của địa phương, dân tộc.

c) Hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống vào hương ước, quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

d) Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây lãng phí, lan truyền dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe con người thông qua vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, trưởng dòng họ, hội viên Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân, tạo niềm tin và động viên nhân dân thực hiện.

e) Lồng ghép các hoạt động truyền thông, tư vấn về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào quá trình thực hiện một số hoạt động chuyên môn của các ngành, các cấp; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp can thiệp y tế phù hợp với địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Trong việc cưới, hỏi

a) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU, cụ thể hóa nội dung Chương trình số 199/CT-UBND, ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh và nội dung của Kế hoạch này vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về hệ quả của việc tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

b) Phát huy vai trò của người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian trong dân tộc, dòng họ để tạo sự đồng thuận, ủng hộ thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động và khuyến khích việc tổ chức các đám cưới theo hướng hai bên gia đình cùng trách nhiệm xây dựng hạnh phúc cho con cháu.

c) Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục gây hậu quả xấu cho sự phát triển của con người, đời sống xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kéo vợ; những nghi lễ rườm rà, gây lãng phí như thách cưới cao, tổ chức cưới nhiều ngày...

d) Vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân không tổ chức tiệc trước lễ cưới chính mời nhiều người gây lãng phí; dựng rạp ở lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, gây phản cảm và bức xúc trong nhân dân.

[...]