Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 174/KH-UBND
Ngày ban hành 13/08/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 về việc Phê duyệt Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030; số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 về việc phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 5190/QĐ-BNN-BVTV ngày 07/12/2023 về việc phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3345/TTr-SNNPTNT ngày 27/7/2024 và ý kiến thống nhất của Thành viên UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để táng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng, chống sinh vật gây hại và thích ứng với điều kiện bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí đầu vào nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, nâng cao thu nhập cho người nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe của đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng, chống sinh vật gây hại nhằm giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và phát triển đa dạng sinh học bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả...trên địa bàn tỉnh được áp dụng IPHM.

- Trên 80% số xã có sản xuất nông nghiệp tập trung có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 5 nông dân nòng cốt/ xã, phường) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và kết quả cho cộng đồng.

- Lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường; tăng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.

- Phấn đấu trên 90% số xã phường có sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định; ít nhất 80% các xã/phường/thị trấn tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.

- Tổ chức đào tạo 40 giảng viên IPHM cấp tỉnh làm lực lượng nòng cốt triển khai Kế hoạch; mỗi xã phường có sản xuất nông nghiệp tập trung có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng.

- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trong canh tác về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

- Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả trên các cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, sắn...gắn với chuỗi giá trị; Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

2. Yêu cầu

Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung theo Kế hoạch. Phối hợp triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành, các Hội, Đoàn thể và báo cáo kết quả thực hiện đúng quy định.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về IPHM, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những văn bản liên quan, mô hình ứng dụng IPHM, quy trình sản xuất hiệu quả bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin và ứng dụng công nghệ số để người dân có thể chủ động tìm hiểu và học tập mọi lúc, mọi nơi.

- Tổ chức hội nghị tổng kết, hội thảo và tham quan những mô hình hiệu quả, những cách làm hay về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; lồng ghép với các hình thức sinh hoạt cộng đồng để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và kỹ năng tiếp cận thị trường.

- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, IPHM cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trong canh tác trên địa bàn tỉnh.

2. Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực về IPHM

- Trên cơ sở mục tiêu, nhu cầu về lực lượng giảng viên để triển khai chương trình cần tập trung xây dựng, đào tạo tập huấn nhằm tăng cường nguồn nhân lực giảng viên cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu huấn luyện cho nông dân tại các địa phương. Thành phần tham gia đào tạo là công chức, viên chức chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, nông học đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

- Tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện hướng dẫn viên cộng đồng, nông dân nòng cốt về IPHM gồm các nhân tố tích cực của các Hội, Đoàn thể, Hợp tác xã... để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn nông dân khác ứng dụng.

- Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất góp phần mở rộng diện tích sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

[...]