Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2024 thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030

Số hiệu 101/KH-UBND
Ngày ban hành 09/04/2024
Ngày có hiệu lực 09/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nghiêm Xuân Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 1909/QĐ-BNN-KH ngày 27/5/2022 về việc ban hành chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; số 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2022 về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực Việt Nam giai đoạn 2022-2030; số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 về việc phê duyệt Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1394/TTr-SNNPTNT ngày 18/3/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030”, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về sức khỏe cây trồng, môi trường xanh, nông sản sạch, an toàn và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực và có lợi thế tại tỉnh Quảng Ninh.

2. Yêu cầu

- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thống nhất phương án phối hợp và tổ chức thực hiện giữa các đơn vị có liên quan nhằm thúc đẩy ứng dụng IPHM góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ;

- Khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chính, chủ lực và lợi thế của tỉnh đến năm 2030;

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, điều chỉnh những nội dung không phù hợp; nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với các điển hình trong thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM (ít nhất 50% diện tích lúa, cây dược liệu và 30% diện tích rau màu, cây ăn quả, cây hoa áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); 60-70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM (ít nhất 40-50% diện tích được áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ giảm 20-30% về lượng và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất nông nghiệp;

- Trên 80% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) sản xuất trồng trọt có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 05 nông dân IPHM nòng cốt/01 xã) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng;

- Có ít nhất 02 giảng viên IPHM Quốc gia; trên 80% giảng viên TOT-IPM được tập huấn nâng cao lên giảng viên TOT-IPHM, đảm bảo mỗi địa phương có ít nhất 01 giảng viên TOT - IPHM; tối thiểu 01 xã có sản xuất nông nghiệp tập trung có ít nhất 02 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng;

- Trên 90% số xã sản xuất nông nghiệp thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về IPHM

- Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM;

- Tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt cộng đồng (câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội thảo đầu bờ, các buổi tọa đàm, tập huấn, truyền thanh xã...) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường;

- Xây dựng in ấn phát hành tờ rơi, pano, áp phích, sổ tay... nhằm tuyên truyền, phổ biến IPHM đến được với nhiều nhóm đối tượng trong xã hội;

- Xây dựng và phát sóng tin bài/phóng sự truyền hình về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, quy định của pháp luật về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, phổ biến tới mọi người dân.

2. Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM

- Hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, cảnh quan nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng cho mỗi loại cây trồng;

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn ứng dụng IPHM trên cây trồng để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các đối tượng sản xuất trồng trọt;

[...]