Kế hoạch 1722/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 1722/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2020
Ngày có hiệu lực 20/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1722/KH-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Chương trình số 107-CTr/TU ngày 9/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 112/05/8/TTr-SNNPTNT ngày 05 tháng 8 năm 2020 đề nghị ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng, tính phức tạp, khẩn cấp của thiên tai, khắc phục tình trạng chủ quan lơ là trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người, tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, truyền tin thiên tai. Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là các công trình hồ đập, công trình chống sạt lở bờ sông, suối đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với tác động mới của thiên tai.

- Nâng cao năng lực ứng phó tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai. Thực hiện tốt phương châm ‘4 tại chỗ’ gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới về phòng chống thiên tai.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ vi phạm về phòng chống thiên tai. Từng bước kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiện có không tăng thêm đầu mối và biên chế.

- Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp tham mưu cho các cấp ủy trong việc tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu qủa thiên tai trong toàn tỉnh.

- Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo đồng bộ, thường xuyên, nghiêm túc, đảm bảo sự cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội cả về nhận thức và hành động trước tình hình và tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai. Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp nhất là cấp thôn, xã có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.

Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, đào tạo, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của các cấp chính quyền đến được với người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, dạy kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước trong nhà trường nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở; nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai như dông, lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, gió giật mạnh cho nhân dân hiểu và chủ động phòng tránh.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ như: công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa trong quản lý, khai thác vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác công - tư, có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu, mô phỏng, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về công tác này theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, đảm bảo hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở tổ chức lại bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu, từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa phương. Đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

3. Tăng cường lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của ngành và của các địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, từng khu vực trong tỉnh.

Đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ quan trắc khí tượng thủy văn; tăng cường dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước sông suối trên địa bàn tỉnh nhất là các sông Ba, Sê San, Sê rêpôk. Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh theo quy định.

[...]