Kế hoạch 315/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 315/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2020
Ngày có hiệu lực 06/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hữu Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 06 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 24/3/2020 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 02/6/2020 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII;

UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, mục tiêu, yêu cầu Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

3. Việc triển khai Chỉ thị phải được thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương, đơn vị; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và lộ trình thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên với phương châm phòng ngừa là chính trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

1.2. Sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan bảo đảm sự thống nhất khi triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hoàn thiện cơ chế, tổ chức để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

1.3. Tăng cường và nâng cao sự phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan về năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, quy định đánh giá rủi ro thiên tai cho phù hợp.

1.4. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước của cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành theo hướng chuyên trách trên cơ sở củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tập trung, thống nhất.

1.5. Xây dựng chế độ, chính sách, bồi dưỡng, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

1.6. Tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua các phương tiện thông tin, truyền thông.

1.7. Tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm theo quy định.

2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, công trình thủy lợi; rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng thống nhất, khắc phục chồng chéo, xung đột, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi.

- Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và huy động các nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ dự báo, theo dõi, giám sát, đánh giá tác động rủi ro thiên tai.

- Tham mưu ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021- 2025, phương án phòng chống thiên tai theo các cấp độ, trong đó phân công rõ trách nhiệm của lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng trong xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, sát thực tiễn.

- Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Đề xuất nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở làm việc, mua sắm, cung cấp phương tiện, thiết bị và trang phục cho lực lượng thường trực, chuyên trách về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Xây dựng kế hoạch, phương án; tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời đa dạng hóa, linh hoạt trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư theo hướng bố trí nguồn chi ngân sách phù hợp, kết hợp xã hội hóa từ các nguồn vốn hợp pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

[...]