Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 17/KH-UBND
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nội dung của Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2030 để triển khai thực hiện.

2. Yêu cầu

a) Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần quán triệt và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện; xác định phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động bố trí từ ngân sách địa phương và chỉ đạo tốt công tác lồng ghép nguồn lực từ các chương trình dự án khác trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào nông nghiệp, nông thôn.

c) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0 - 7,0%/năm.

b) Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

c) Thu hút được trên 20.000 lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn;

d) Giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 30.000 tỷ VNĐ/năm.

đ) Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 85% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở khu vực nông thôn đạt 35%.

e) Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng trên 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

a) Ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh Đồng Nai.

b) Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.

III. NHIỆM VỤ-GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế, chính sách

a) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung các chính sách về: Đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.

b) Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nghề nông thôn; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng và các công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.

c) Nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phân cấp đi đôi với giám sát, kiểm tra.

[...]