Kế hoạch 17/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2021

Số hiệu 17/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2021
Ngày có hiệu lực 18/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Huỳnh Anh Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/KH-UBND

Bình Phước, ngày 18 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

Thực hiện Công văn số 4757/BNN-TY ngày 16/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021,

Xét đề xuất của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 09/TTr-SNN-DVNN ngày 11/01/2021,

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Khống chế kịp thời dịch bệnh, hạn chế lây lan, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, nhằm phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về tác hại của dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Yêu cầu

- Trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo quy định của Luật Thú y.

- Triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, phù hợp và hiệu quả; sử dụng các biện pháp phòng là chính; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi.

- Bố trí đủ kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

II. NỘI DUNG

1. Phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

1.1. Nội dung chủ yếu

- Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh động vật.

- Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn tỉnh.

- Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như: Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, Lợn Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, Dịch tả lợn Châu Phi, Newcastle..., bệnh truyền lây nguy hiểm giữa động vật và người (bệnh Dại động vật, bệnh Cúm gia cầm...).

- Thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh động vật, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

1.2. Giải pháp

a) Giải pháp kỹ thuật

- Phòng bệnh bằng vắc xin:

+ Xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo các chủ trương, chương trình, kế hoạch được phê duyệt, cụ thể: tiêm phòng bệnh LMLM gia súc, bệnh Tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; bệnh Dịch tả cổ điển trên đàn lợn; bệnh Dại trên đàn chó, mèo; bệnh Newcastle; bệnh Cúm gia cầm và các dịch bệnh khác theo quy định pháp luật về Thú y.

+ Tổ chức tiêm phòng theo từng đợt, trong năm 2021 thực hiện tiêm phòng 02 đợt/năm (đợt 1 vào khoảng tháng 3-5 và đợt 2 vào tháng 9-11). Tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm còn sót hoặc chưa đủ điều kiện tiêm phòng trong đợt chính; gia súc, gia cầm mới tiêm phòng lần đầu hoặc gia súc, gia cầm mới phát sinh vào các tháng còn lại trong năm.

+ Khi có ổ dịch xảy ra, tiêm vắc xin bao vây, khống chế ổ dịch phát sinh và các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

[...]