Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2023 triển khai nền tảng số y tế trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2023
Ngày có hiệu lực 19/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NỀN TẢNG SỐ Y TẾ TRONG QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các nền tảng số y tế trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030 như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Lấy người dân làm trung tâm, số hoá dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế; dữ liệu của người dân sau khi số hoá được bảo mật mức tối đa nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

2. Lấy nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành y tế góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế. Kế hoạch triển khai thúc đẩy các nền tảng y tế số song song với việc hình thành nội dung dữ liệu và phải thực hiện đồng thời với quá trình số hóa thông tin sức khỏe người dân hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế.

3. Phân cấp cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai và quản lý dữ liệu y tế; phát huy tính chủ động và vai trò của các cấp chính quyền địa phương gắn liền với việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thā tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đối với Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử

- Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030).

- Ngành y tế có các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân được quản lý theo phân cấp hành chính phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

- Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của người dân kết nối các hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở y tế và các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tại địa phương, đáp ứng đa dạng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo không chồng chéo, hiệu quả đầu tư và an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể:

+ Kho dữ liệu hồ sơ sức khoẻ tại địa phương được cập nhật từ các cơ sở y tế tại địa phương, bao gồm các thông tin phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành của địa phương.

+ Kho dữ liệu hồ sơ sức khoẻ tại Bộ Y tế bao gồm nhóm thông tin cơ bản về y tế được đồng bộ với hệ thống thông tin ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử và các dữ liệu được chuẩn hoá để liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác nghiên cứu khoa học, công tác chỉ đạo điều hành.

b) Đối với Nền tảng Quản lý tiêm chủng

- Cung cấp cho người dân công cụ đăng ký, phản ánh, tra cứu thông tin tiêm chủng.

- Hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng triển khai công cụ lập kế hoạch, quản lý vắc xin, thực hiện tiêm và cấp chứng nhận tiêm chủng.

- Cung cấp số liệu phân bổ vắc xin, số liệu triển khai tiêm phục vụ cho việc quản lý, điều hành chiến dịch tiêm chủng của chính quyền các cấp.

- Nền tảng Quản lý tiêm chủng được nâng cấp từ Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý tiêm chủng dịch vụ khác và ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của người dân.

c) Đối với Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa

- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; quản lý được chất lượng các ca tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đảm bảo an toàn thông tin bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân; đảm bảo quyền lợi của người dân trong hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

- Tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hàng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ, không phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh; tư vấn sức khỏe 24/7.

- 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên (tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030).

- Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giữa cơ sở y tế tuyến trên với tuyến dưới.

- Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa bao gồm Hệ thống thông tin quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối các hệ thống ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh.

d) Đối với Nền tảng Trạm y tế xã

[...]