Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh Lao đến năm 2030 của Thành phố Hà Nội

Số hiệu 162/KH-UBND
Ngày ban hành 28/05/2024
Ngày có hiệu lực 28/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO ĐẾN NĂM 2030 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao; Quyết định 162/QĐ- BYT ngày 19 tháng 01 năm 2024 về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao”; Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống Lao; Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống lao thành phố Hà Nội đến năm 2030 của thành phố Hà Nội với nội dung sau:

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG LAO QUỐC GIA TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2020-2023

I. Thông tin chung

- Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất Thế giới ( theo báo cáo WHO 2021).

- Tỷ lệ nhiễm Lao hàng năm ở Việt Nam là 1,7% và ước tính khoảng 30% dân số mắc Lao tiềm ẩn (LTBI), tỷ lệ này ở khu vực thành thị trên 40%. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống Lao nhằm chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này.

- Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc Lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân Lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân Lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân Lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

- Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên Thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với Lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc Lao, Dự án USAID SHIFT và Chương trình chống Lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Nhờ vào triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh và các nguồn lây của bệnh Lao. Nếu chúng ta tìm hết các ca bệnh và điều trị để hết nguồn lây lan thì sẽ có thể chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam.

- Kể từ khi được công bố là “Đại dịch toàn cầu” bởi WHO vào cuối tháng 01/2020, virus corona COVID-19 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội.

- Từ tháng 7 năm 2022, các cơ sở điều trị Lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc Lao cho bệnh nhân qua Bảo hiểm y tế. Trong thời gian triển khai, Chương trình Chống Lao Quốc gia (CTCLQG) phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hướng dẫn các cơ sở điều trị Lao đảm bảo kiện toàn tổ chức khám chữa bệnh Lao đáp ứng các điều kiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua Bảo hiểm y tế.

- Năm 2020, 4.484 trường hợp mắc Lao đã được báo cáo từ các Tổ chống Lao Bệnh viện Phổi Hà Nội, các hoạt động kết hợp y tế công tư và các chương trình khác (ví dụ: Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trại tạm giam...). Như vậy, tỷ lệ người bệnh Lao được báo cáo là 56/100.000 dân. Kết quả điều tra dịch tễ bệnh Lao toàn quốc được thực hiện trong năm 2017-2018 cho thấy tỷ lệ hiện mắc Lao các thể là 289 ca trên 100.000 dân (toàn quốc) và 268 ca trên 100.000 dân (ở khu vực phía Bắc). Do đó, tỷ lệ số ca bệnh được chẩn đoán trên tổng số bệnh nhân Lao là 38-67%, đây là chỉ số được đo lường trực tiếp về khả năng tiếp cận các dịch vụ về Lao của CTCLQG, được ước lượng bằng tỷ lệ của tất cả các bệnh nhân Lao được thông báo so với tỷ lệ lưu hành.

- Năm 2021-2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đối phó với nhiều đợt dịch bệnh COVID-19 với hơn 4.000 ca mắc, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến việc phát hiện, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Lao trên địa bàn. Đặc biệt năm 2022, thành phố Hà Nội lại đón đợt dịch COVID-19 tương đối nặng nề, với biến thể Ommicron. Do đó, Hà Nội có tình hình phát hiện bệnh nhân giảm so với 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chống Lao, số liệu phát hiện đã hồi phục rất mạnh mẽ, với tiềm năng trở về tốc độ trước COVID-19 là rất rõ ràng trong thời gian cuối năm 2022.

- Năm 2023, Chương trình chống Lao thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hoạt động khám phát hiện và quản lý điều trị cho bệnh nhân Lao. Trong đó khám sàng lọc cho 91.700 người nghi Lao, đăng ký điều trị cho 4.688 bệnh nhân Lao các thể, đảm bảo điều trị thành công cho hơn 95% bệnh nhân Lao.

II. Đánh giá hoạt động phòng chống bệnh lao giai đoạn 2020-2023

1. Hiệu quả hoạt động

- Chương trình chống Lao thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, luôn bám sát các mục tiêu quốc gia, mục tiêu của Thành phố để xây dựng các hoạt động của chương trình. Chương trình đã cơ bản triển khai các hoạt động năm, khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng và hiệu quả, các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành.

- Chương trình vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường.

- Công tác khám chữa bệnh Lao theo Thông tư số 36/2021 đã được triển khai từ 01/7/2022 và tính đến 31/12/2022 tất cả các Trung tâm y tế quận/huyện và các bệnh viện đa khoa tham gia Mô hình 4 đã kiện toàn và đủ điều kiện khám chữa bệnh Lao theo Bảo hiểm y tế.

- Công tác thực hiện tại các quận, huyện bám sát chỉ tiêu, thực hiện công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị, quản lý người bệnh theo đúng hướng dẫn của CTCLQG.

- Phát triển mạnh các hoạt động khám phát hiện chủ động, đảm bảo 1% dân số Hà Nội được khám nghi Lao hàng năm.

- Việc quản lý điều trị bệnh nhân Lao tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên, hoạt động cấp phát thuốc tại các xã được duy trì, thuận tiện cho bệnh nhân, đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh ngay trong thời gian dịch bệnh. Thực hiện công tác quản lý người bệnh tại các xã, phường đảm bảo yêu cầu mục tiêu chung thể hiện qua các đợt giám sát của CTCLQG.

- Kịp thời có các điều chỉnh phù hợp, cập nhật, hiện đại đúng quy định ứng dụng vào thực tế triển khai.

- Hoạt động đạt được các mục tiêu của Dự án Phòng chống Lao Quốc gia cũng như đang đi đúng lộ trình đạt tới các mục tiêu của Chiến lược quốc gia Phòng, chống bệnh Lao, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đặc biệt với việc giảm dần tỷ lệ bệnh nhân điều trị Lao, tiến tới khống chế bệnh Lao vào năm 2030; tăng tỷ lệ điều trị dự phòng bệnh nhân Lao tiềm ẩn.

2. Ưu điểm

- Mạng lưới phòng chống Lao được xây dựng, cập nhật kiến thức và hoạt động nề nếp qua nhiều năm.

- Nhiều kỹ thuật hiện đại, phác đồ điều trị mới được nhanh chóng cập nhật khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, CTCLQG, có nhiều hỗ trợ chuyên môn trong và ngoài chuyên ngành, hỗ trợ quốc tế, hợp tác triển khai triển khai nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ